Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã tích cực chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được hệ thống chính trị tỉnh đẩy mạnh, tạo tiền đề trong triển khai xây dựng các mô hình học tập - hạt nhân của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập hiệu quả tại tỉnh. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đưa tiêu chí gia đình học tập và cộng đồng, đơn vị học tập vào đánh giá gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa hằng năm. Phong trào xây dựng các mô hình học tập được gắn kết với việc xây dựng nông thôn mới và góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, gia đình văn hóa. Nhờ đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập ở tỉnh ngày càng được đẩy mạnh.
Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng trao quà tặng 108 học sinh dân tộc thiểu số tham gia chung kết hội thi "Tiếng Việt của chúng em".
Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng
Nhiều mô hình như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” được triển khai có hiệu quả góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài từ các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đẩy mạnh phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 85,38% số gia đình được công nhận là "gia đình học tập"; 52,55% số dòng họ đạt "dòng họ học tập"; 94,73% số cộng đồng đạt "cộng đồng học tập"; 89,83% số đơn vị đạt "đơn vị học tập".
Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới, tỉnh Lâm Đồng cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục... Tiếp tục sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động của Hội khuyến học, xây dựng Quỹ khuyến học, đồng thời, kết hợp biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong công tác này ở địa phương.
Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường đẩy mạnh các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Tiếp tục quán triệt sâu rộng, đầy đủ và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới, từ đó, triển khai, cụ thể hóa thành nội dung hoạt động phù hợp.
Các em học sinh dân tộc thiểu số Trường Tiểu học Liêng Srônh (Xã Liêng Srônh - Huyện Đam Rông - Lâm Đồng) học bài sau giờ đến lớp.
(Ảnh:baolamdong.vn)
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội khuyến học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp, liên kết các lực lượng trong tỉnh vận động toàn dân tham gia học tập; đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”…
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; vận động các cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp tặng học bổng, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.
Các trường vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư
(Ảnh: baolamdong.vn)
Năm là, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các cuộc kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kiểm tra, giám sát cũng là dịp để các đơn vị trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.
Thu Trang