Thời gian qua, cuộc sống vốn yên bình của người dân ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) bỗng dưng dậy sóng. Tiếng súng nổ vào rạng sáng ngày 11/6/2023 tại 2 xã của huyện Cư Kuin đã khiến cho 2 chiến sỹ công an hy sinh và một số cán bộ, người dân bị thương vong. Vụ nổ súng ấy đã khiến cho vùng bản làng bổng vang lên những tiếng nấc nghẹn ngào của người mẹ mất con, người vợ mất chồng, con phải mất cha. Một sự mất mát không thể chấp nhận trong thời bình. Tất cả điều này được tạo ra bởi sự tham vọng của những kẻ cầm đầu, phản động muốn chống phá chính quyền hòng thực hiện những mưu đồ đen tối. Bọn chúng đã lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết, có hoàn cảnh khó khăn với lời hứa hẹn “có cánh”, vẽ ra những viễn cảnh hào nhoáng với cuộc sống xa hoa và rồi, không ít người đã bị cuốn vào tham vọng của những kẻ phản động. Kết quả là, viễn cảnh đó đâu không thấy mà trước mắt của những người tham gia bạo loạn phải chịu cảnh trốn chui trốn nhủi, cảnh lao lý và thậm chí liên lụy đến vợ, con và người thân. Họ cũng đâu có biết, ở đâu đó, có những gia đình cũng chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của họ mà phải chịu cảnh mất mát, đau thương. Chỉ vì một lời hứa vô căn cứ, những kẻ tham gia bạo loạn đã xả súng vào người dân vô tội, đồng bào “máu đỏ da vàng” của mình.
Cũng trong những ngày qua, các chiến sỹ công an ở Đắk Lắk có những đêm không ngủ vì phải truy quét những phần tử gây ra cuộc bạo loạn. Các chiến sỹ công an phải có mặt mọi nẻo đường để bảo vệ sự bình yên của nhân dân. Các chiến sỹ công an luôn đối mặt trước những nguy cơ, rủi ro. Và, cũng những ngày qua, người dân địa phương đã sát cánh cùng với chiến sỹ công an ra sức truy quét những kẻ phản động. Rõ ràng, trong “cơn binh biến”, mối quan hệ quân và dân càng thêm gắn bó hơn. Mỗi người dân ở huyện Cư Kuin nói riêng, Đắk Lắk nói chung đã trở thành chiến sỹ, mỗi thôn bản trở thành một pháo đài. Nhờ vậy, những phần tử bạo động nhanh chóng bị bắt giữ, sự yên bình vốn có của nơi đây dần quay trở lại.
Hội viên, phụ nữ xã Ea Ktur nấu cơm hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN.
Cũng những ngày qua, ở hậu phương các chị em đã tự nguyên vận động nhau nấu những suất ăn nghĩa tình để gửi đến những chiến sỹ công an, dân quân tự vệ đang tham gia làm nhiệm vụ truy quét các phần tử gây ra bạo loạn. Không ai bảo ai, các chị em tự phân công công việc: người nhặt rau, người thổi lửa, người nấu cơm… Nhờ đó, những suất cơm nóng với nhiều tấm chân tình của chị em ở địa phương được mang đến tận tay lực lượng đang làm nhiệm vụ. Hình ảnh người phụ nữ tay cầm hai viên gạch để làm vũ khí truy bắt những phần tử tham gia bạo động đã được lan truyền trên mạng xã hội, khiến cho mọi người nhớ đến tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến.
Có thể nói, cuộc bạo loạn xảy ra còn là “phép thử” cho mối quan hệ giữa quân và dân, phép thử lòng yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam. Tinh thần đoàn kết quân dân và tinh thần yêu nước, yêu hòa bình được ví như mạch ngầm chảy âm ỉ trong lòng đất Việt. Khi khai quật đúng mạch thì tinh thần đó trở thành làn sóng mạnh mẽ, có thể cuốn trôi mọi âm mưu của những phần tử phản động chống Đảng, chống Nhà nước. Tinh thần đó luôn tồn tại trong mỗi người dân Việt Nam ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Qua cuộc bạo loạn xảy ra ở Đắk Lắk còn cho thấy tính nhân văn trong cách giải quyết, xử lý đối với những kẻ phản động. Đó là nhà nước sẽ khoan hồng cho những ai tự nguyên ra đầu thú, luôn đối xử tử tế đối với những phần tử này. Điều này cho thấy, Nhà nước ta luôn khoan hồng với những người biết ăn năn, hối lỗi. Nhà nước ta vẫn mở đường cho những người lạc hướng, quay trở lại với chính nghĩa. Đây là truyền thống nhân văn, nhân ái của nhà nước Việt Nam, luôn xem tính mạng người dân là trên hết.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng viết: “Ta lại viết bài thơ trên báng súng, Con lớn lên đang viết tiếp thay cha; Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống, Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”. Đó là tinh thần nối tiếp truyền thống cách mạng của cha ông ta. Sự hy sinh của các chiến sỹ công an đã khẳng định tinh thần đó vẫn sục sôi trong thời bình. Các chiến sỹ công an đã hy sinh, thân xác đã trở về với lòng đất mẹ nhưng sự hy sinh đó luôn được tổ quốc ghi công, người dân huyện Cư Kuin vẫn mãi khắc ghi, gia đình luôn tự hào. Tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình là tinh thần bật diệt, không thể phai mờ theo thời gian.
TT