Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra quyết định tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Ngày 05/5/1992, tỉnh Trà Vinh chính thức được tái lập. Khi đó, Trà Vinh là một tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế xã hội chưa được đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi ngăn lũ, giao thông đường bộ, điện, nước sạch, trạm xá, trường học...; một phần ba dân số là đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có 50% là hộ nghèo. Trà Vinh cũng là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Giá trị sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm chỉ đạt 270 tỷ đồng, ngành thương mại dịch vụ đạt giá trị khoảng 700 tỷ đồng.
30 năm qua, với quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống thủy lợi, hệ thống đường bộ, hệ thống điện. Bên cạnh đó, tỉnh xác định đào tạo nguồn nhân lực và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá để phát triển.
Các tuyến đường giao thông nông thôn đều được bê tông hóa. Hầu hết các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch phục vụ sinh hoạt. Hoàn thành xây dựng cầu Cổ Chiên qua sông Tiền, nối liền Trà Vinh với Bến Tre, kết nối giao thông tuyến Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu vượt sông Hậu nối liền Trà Vinh với Sóc Trăng đã được quy hoạch và triển khai xây dựng trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu Kinh tế Định An là một trong 12 khu kinh tế biển của cả nước. Hiện nay, khu Kinh tế Định An đã xây dựng “Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải” với tổng công suất trên 4.490MW. Ngoài ra, Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào 3 khu công nghiệp trọng điểm của Tỉnh: khu Công nghiệp Long Đức, khu Công nghiệp Cầu Quan, khu Công nghiệp Cổ Chiên.
Cánh đồng điện gió Đông Hải 1 tại ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
(Ảnh: internet)
Tỉnh cũng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo - xây dựng 05 dự án điện gió với tổng công suất 320MW và điện năng lượng mặt trời với công suất 140MW. Tổ hợp điện năng này đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại địa phương, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho điện lưới quốc gia. Tỉnh đã xây dựng được cảng biển nước sâu cho tàu có trọng tải 20.000 - 30.000 tấn cập Cảng.
Nhờ đó, sản lượng nông nghiệp, thủy sản không ngừng tăng và đến năm 2021 đã đạt giá trị trên 27.800 tỷ đồng, tăng gần 39 lần so với năm 1992. Công nghiệp - dịch vụ có sự phát triển đáng kể, năm 2020, ngành này đã đạt trên 37.000 tỷ đồng. Ngành thương mại dịch vụ cũng đã có sự phát triển vượt bật và đạt trên 33.000 tỷ đồng vào năm 2021. Tổng giá trị kinh tế đạt được trong năm 2021 của ngành Công nghiệp là gần 40.000 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt 63 triệu đồng vào năm 2021. Số hộ nghèo giảm còn 1,8% và số hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 3,2%. Đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, Tỉnh có trường Đại học Trà Vinh, trường Cao đẳng nghề Trà Vinh, trường Cao đẳng Y tế, hằng năm tuyển sinh và đào tạo hơn 20.000 sinh viên trên khắp cả nước, góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Trà Vinh và của các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay.
Người dân Khmer ở ấp Giồng Tranh B, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh) thu hoạch bắp giống
(Ảnh: internet)
Trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 vào năm 2020-2021, nhân dân Trà Vinh đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, giữ vững trật tự xã hội, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Qua 30 năm đổi mới và phát triển, thành phố Trà Vinh được chính phủ công nhận là thành phố loại II, trực thuộc Tỉnh. Thị xã Duyên Hải, huyện Tiểu Cần là đô thị loại IV thuộc Tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 03 huyện (Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long) được công nhận hoàn thành huyện nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu trước năm 2025, Toàn tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tấn Tài