Nhiều người đã hối hận vì quá lâu không trở về, vì đã quên mất nguồn cội của mình và họ nhận ra rằng trong suốt những năm tháng tuổi trẻ đã bị lừa gạt bởi những thông tin xuyên tạc, bóp méo về Tổ quốc Việt Nam. Chỉ đến khi đã trải qua gần một đời người chiêm nghiệm, trải nghiệm cuộc sống ở nhiều chế độ, nhiều quốc gia khác nhau, họ mới nhận ra điều này. Nhưng dù sao “muộn còn hơn không”!
Từ tư tưởng “phục quốc”, chống cộng cực đoan…
Đã từ lâu, một thiểu số người trong cộng đồng kiều bào ta ở hải ngoại có tư tưởng chống phá nhà nước, đó có thể là những người rời bỏ Tổ quốc ra đi do sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hoà, hoặc cũng có thể là những người sống bằng nghề chống phá chế độ, lừa gạt đồng bào, lấy danh nghĩa chống cộng nhưng thực chất quyên góp tiền để tư lợi.
Trước đây, khi các phương tiện thông tin, truyền thông chưa phát triển, những kẻ chống cộng cực đoan đã thu hút được một lượng lớn kiều bào tin vào sự bịa đặt, vu khống của chúng, thậm chí họ tin vào cả những điều rất ngây ngô, phi lý. Chẳng hạn, khi chúng ta chủ trương thay thế tiền giấy bằng tiền polymer vào đầu những năm 2000, chúng lu loa lên rằng kinh tế Việt Nam bất ổn, lạm phát cao, Chính phủ phải đổi tiền, vì vậy kiều bào không nên gửi tiền về nước. Chúng bóp méo sự thật để mọi người tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam bất tài, không lãnh đạo được đất nước, khiến cho kinh tế yếu kém, xã hội bất ổn, và như vậy kiều bào càng cần phải góp sức, góp của để lật đổ chế độ và “phục quốc”.
Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều người đã nhận ra bản chất của những hoạt động này. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ - Nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà từng nói “Đất Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà nói là phục quốc. Chưa kể là một số người, cho là cả 3 triệu hải ngoại không thể nhân danh Tổ quốc Việt Nam để mà nói chuyện đất nước Việt Nam. Những chuyện phi lý như vậy tôi bảo họ nếu thật sự yêu nước thì phải ngồi im và biết suy nghĩ, chứ đừng hành động đi theo một lũ côn đồ, một lũ hám danh, hám lợi, lường gạt mọi người, cứ nhân danh chánh nghĩa quốc gia, nhân danh chống cộng, nhân danh tự do dân chủ mà đi lường gạt người ta”.
Và ông Nguyễn Cao Kỳ cũng thừa nhận rằng những người mang tư tưởng chống đối này chỉ là thiểu số, ông khẳng định “Tôi phải nói rằng những sự chống đối bên này nó to tiếng lắm, nó ồn ào lắm nhưng mà rất thiểu số. Cái hải ngoại nó buồn là điểm đó. Nếu người ngoại quốc hoặc người trong nước nhìn vào những người hề đó mà nói đấy là hải ngoại thì thực sự là nhầm”.
Và quả thực, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cái gọi là hoạt động “phục quốc”, “chống cộng”chẳng thu được kết quả gì và chắc chắn sẽ không bao giờ làm được gì, chỉ để lại tiếng xấu trong cộng đồng. Kết quả là, nhiều kiều bào không muốn tiếp tục làm con rối của ngoại bang, cũng như không muốn làm những thằng hề đóng tuồng hạng bét trong cộng đồng hải ngoại, họ đã từ bỏ tư tưởng chống chế độ, xin trở về Tổ quốc để chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày của quê hương, đất nước mình.
… đến thừa nhận
Rất nhiều người chống cộng cực đoan ở hải ngoại là những kẻ thấp kém về trình độ, tiếng Anh không sõi, tiếng Việt không thông, lao mình vào hoạt động chống phá quê hương, đất nước như những con thiêu thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người là trí thức hoặc tướng lĩnh cấp cao của chế độ cũ như ông Nguyễn Cao Kỳ - Nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, ông Trần Đức Viết - Nguyên Thiếu tá không quân, Nhà báo Nguyễn Phương Hùng, Luật sư Đinh Viết Tứ, Luật sư Phùng Tuệ Châu, Luật sư Hoàng Duy Hùng, Thương nhân Vũ Văn Lê, Ông Nguyễn Trọng Đức (tức Đức Đầu Bạc), Nhân sĩ Nguyễn Mạnh Cường… Đây là những người một thời được coi là thủ lĩnh chống phá Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay tất cả họ đều nhận thức được sai lầm của bản thân, xin được trở lại quê hương, đất nước. Họ biết rằng sân khấu chống cộng hải ngoại là sự lừa bịp, không có chính nghĩa. Sau những lần trở về, họ đều thừa nhận sự thật không thể chối cãi về một Việt Nam thịnh vượng và phát triển.
Năm 2014, sau hơn 30 năm lưu lạc xứ người, ông Nguyễn Trọng Đức đã nhận ra bản chất dối trá của các hoạt động chống cộng cực đoan tại Mỹ, ông đã tuyên bố từ bỏ tham gia các hoạt động cộng đồng, xin được “rửa tay gác kiếm” như chính lời ông sử dụng trên truyền hình. Ông nhận ra rằng “Thử đặt ra mình làm được cái gì, giả sử mình đánh sập được cây cầu, đánh được cái đồn, thử hỏi rằng đó có phải là mục tiêu không? Không, đó không phải mục tiêu của tôi”.
Sau nhiều chuyến trở về Tổ quốc, sự thay đổi nhanh chóng của đất nước Việt Nam càng khiến ông nhận ra sai lầm của một thời tuổi trẻ, ông nói “Những chuyến đi về Việt Nam tôi đều thấy thành phố Sài Gòn trưởng thành hơn lên, phát triển, lớn mạnh hơn lên. Có những điều mình không thể phủ nhận là đất nước Việt Nam đã có bước tiến dài”.
Hay như Luật sư Hoàng Duy Hùng, người vốn từng tham gia nhiều hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, đã từng về nước vào năm 2001 với âm mưu đánh bom Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh) và bến Ninh Kiều (Cần Thơ), sau nhiều lần trở về, ông đã chủ động liên hệ với chính quyền Việt Nam và thừa nhận những sai lầm của mình.
Gần đây, trong bài viết “Tôi tìm lại được tôi sau khi trở về Tổ quốc” đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 04/02/2020, ông Hoàng Duy Hùng khẳng định “Tôi nhận ra người cộng sản rất kiên trì lòng yêu nước và thực tế lòng yêu nước của họ rất khác so với những người “quốc gia””, “… sau rất nhiều trăn trở băn khoăn, thậm chí cả sai lầm, nay tôi mới tìm ra được chính tôi. Tôi không còn thù hận Đảng Cộng sản Việt Nam nữa mà trân quý lòng yêu nước của các đảng viên cộng sản”.
Người dám thừa nhận sai lầm của mình và chỉ nói sự thật khách quan, đó là người quân tử. Rất nhiều người chống cộng cực đoan là trí thức, họ vốn là nhà báo, luật sư, tướng lĩnh… của chế độ cũ nên rất hiểu điều này. Lương tâm và đạo đức của người trí thức đã buộc họ phải nói lên sự thật về một Việt Nam ngày càng phát triển.
Trong bài viết trên báo Nhân Dân, ông Hoàng Duy Hùng thừa nhận rằng “Từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Hải Phòng, Cao Bằng… nơi nào tôi cũng thấy hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, năng động và phát triển. Nhà cửa san sát, cuộc sống nhộn nhịp, người dân hồ hởi, nhà máy, xí nghiệp, công xưởng mọc lên khắp nơi” và khẳng định bản thân ông “chủ trương không trả lời những gì xuyên tạc, vì ai không tin, cứ việc về Việt Nam. Sự thật sẽ buộc họ phải suy nghĩ lại”.
Tổng kết hoạt động của những kẻ chống phá nhà nước,ông Nguyễn Mạnh Cường, người được cộng đồng hải ngoại xemlà nhân sĩ đã nói “đó chỉ là sự buôn hàng giả, bán hận thù”, trong đó “dân chủ” mà những người chống cộng cực đoan rêu rao chỉ là hàng giả, “tự do” trong đầu họ là sự hận thù, từ đó “dân chủ, tự do” của những người chống cộng chẳng giống dân chủ, tự do bất cứ nơi nào trên trái đất, mà nó chính là sự lừa đảo tàn nhẫn đối với cộng đồng người Việt hải ngoại - những người cần sự đùm bọc, yêu thương nhau hơn hết nơi đất khách quê người.
… hối hận và mong muốn trở về
Trở về và chứng kiến sự đổi thay của đất nước, nhiều kiều bào đã nói rằng họ không cần hai chữ Việt Kiều, họ mong được đồng bào trong nước gọi là “Người Việt Nam đang cư trú tại hải ngoại” để chứng minh rằng tất cả người Việt Nam đều có chung một nguồn cội, có chung Tổ quốc Việt Nam.
Trong chuyến trở về quê hương, nhà báo Nguyễn Phương Hùng - vốn là cựu sĩ quan Binh chủng Biệt động quân Việt Nam Cộng hoà, người đã liên tục có các hoạt động chống nhà nước Việt Nam trong hơn 30 năm - đã giãi bày rằng “có người hỏi tại sao 36 năm mới trở về, ông có gì hối hận không?”, ông trả lời “Tôi có một sự hối hận, đó là tại sao 36 năm tôi mới trở về đất nước của tôi?”, và ông còn hối hận vì một thời nông nổi chống cộng cực đoan nên đã không về quê hương chịu tang cha mẹ khi họ qua đời. Khi được trở về, ông thấy vơi đi lỗi lầm với cha mẹ, và rộng hơn là tạ lỗi với quê hương, đất nước, bớt dằn vặt về sự bất hiếu với Tổ quốc và đấng sinh thành. Chính sự hối hận đã biến ông từ cựu sĩ quan biệt động chống cộng cực đoan trở thành người yêu đất nước, quê hương.
Ông nói mỗi lần trở về Tổ quốc, ngồi trên máy bay, chỉ cần nghe cô phát thanh viên nói rằng đã bay vào không phận Việt Nam, thì ông cũng như nhiều kiều bào khác đã khóc, và họ khóc từ đó cho đến khi máy bay hạ cánh. Khi đã ở tuổi gần 70, ông không đi tìm chỗ ngồi cũng chẳng tìm chỗ đứng, mà ông đang đi tìm chỗ nằm, vậy nên, nếu chết tại hải ngoại, ông xin được thiêu xác và thả xuống biển để tro cốt trôi về đất nước; nếu chết tại Việt Nam, ông xin được thiêu xác và chôn tại quê hương mình.
Một số ý kiến cho rằng, những người đã từng chống cộng trở lại Việt Nam chỉ là người già, trở về quê hương với tâm lý “lá rụng về cội”. Điều này chỉ đúng một phần, bởi vì nếu đất Mẹ không dang rộng vòng tay thì dù muốn họ cũng không thể trở về. Hơn nữa, nếu điều kiện sống ở Việt Nam quá khó khăn, vất vả thì dù có yêu quê hương đến mấy họ cũng không muốn về.
Thực tế đối với nhiều người trở về đã là mong muốn từ lâu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh đến nay họ mới thực hiện được. Như trường hợp của ông Nguyễn Trọng Đức, khi nhận ra sai lầm của mình hàng chục năm trước, ông đã nói “Nơi cần đóng góp của tôi không phải là hải ngoại mà là trong nước, tôi không thể chối bỏ điều đó nên tôi quyết định phải về, bất chấp họ nói tôi thế nào, tôi biết việc làm của tôi là đúng”.
Những kiều bào đến nay còn ngại và mặc cảm chưa trở về hãy tin rằng Đất Mẹ Việt Nam luôn dang rộng vòng tay đón những người con xa quê, nhưng Mẹ chỉ bao dung với những người có bản lĩnh và biết sống tích cực cho cộng đồng; Mẹ chỉ cần những người con ấy dám nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật về những đổi thay và phát triển không ngừng của đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, không xuyên tạc, bóp méo để tiếp tục gây hận thù trong dân tộc Việt Nam. Khi những người con đã tự soi gương để biết rằng, dù có ở Âu - Mỹ bao lâu thì ta vẫn là người con đất Việt thì Mẹ Việt Nam sẽ ôm tất cả chúng ta vào lòng.
Bút Sắc