Trên thực tế, để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước đồng bào quốc dân và nhân dân thế giới ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, dân tộc Việt Nam phải dùng sức mạnh của mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để chiến đấu kiên cường suốt 87 năm kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng ngày 1/9/1858.
Trong gần một thế kỷ ấy, với ý chí quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược để giành độc lập cho Tổ quốc (1858-1945), dòng máu Lạc Hồng kiên trung được đất Việt nuôi dưỡng qua chiều dài lịch sử đã phải đổ xuống cùng biết bao tính mạng đã hy sinh để cho dân tộc ta nở hoa, kết trái độc lập, tự do, hạnh phúc.
Ngay từ khi Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, từ nhân dân đến các bậc nho sĩ và quan lại đã vùng lên đấu tranh quyết liệt để giữ nền độc lập cho dân tộc. Suốt 26 năm tính từ năm 1858 đến năm 1884, các cuộc đấu tranh chống Pháp đã liên tiếp diễn ra, bao nhiêu xương máu, tính mạng đã đổ xuống nhưng vẫn không cứu được nền độc lập của nước nhà.
Loạt súng vang lên cuối thế kỷ XIX có quy mô rộng khắp chính là phong trào Cần Vương nhưng cũng kết thúc thất bại. Sang đầu thế kỷ XX, xuất hiện khuynh hướng cứu nước mới, tiêu biểu là Phan Bội Châu với phong trào Đông du, Phan Châu Trinh với phong trào Duy Tân, Lương Văn Can với phong trào Đông Kinh nghĩa thục... Bên cạnh đó, có khởi nghĩa nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cùng hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác diễn ra trên phạm vi cả nước từ đầu thế kỷ XX đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (đầu năm 1930). Các phong trào đấu tranh, cách mạng ấy đã thể hiện sự tiếp nối truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nhưng cũng không thành công.
Trong bối cảnh “tình hình đen tối như không có đường ra”[1], dân tộc Việt Nam yêu cầu khẩn thiết về một con đường cứu nước vừa giải phóng dân tộc, đồng thời giải phóng giai cấp, nghĩa là phải cứu được nước đồng thời cứu được dân.
Và rồi, chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đúng đáp án cho “bài toán về vận mệnh dân tộc”. Đó là, “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Với sự hoạt động tích cực và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đã chỉ rõ đường lối và lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ-Tĩnh; phong trào dân sinh, dân chủ 1936-1939; và đặc biệt là phong trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945 với đỉnh cao Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1939) với việc xác định nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc cho đến Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14/8/1945) và Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào - Tuyên Quang (ngày 16/8/1945) là một quá trình Đảng ta nhận định thời cơ, chủ động nắm bắt thời cơ và chớp thời cơ “ngàn năm có một” lãnh đạo nhân dân vùng lên giành độc lập.
Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, dưới lá cờ của Đảng, nhân dân ta đã “không bỏ lỡ thời cơ” tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân phiệt Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ngày 28/8/1945, chính quyền đã về tay nhân dân trong phạm vi cả nước.
Trước đó, ngày 27/8/1945, Thường vụ Trung ương họp, rồi Hội đồng Chính phủ lâm thời họp, bàn nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945, còn Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, ở vào thời khắc gấp rút của cách mạng, trong thời gian chỉ 3 ngày, tại căn phòng tầng 2 nhà ông Trịnh Văn Bô - bà Hoàng Thị Minh Hồ, số 48 phố Hàng Ngang - một gia đình doanh nhân giàu lòng yêu nước.
Suốt 3 ngày ấy, với sự tập trung cao độ về tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng luôn canh cánh nỗi lòng vì độc lập cho dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; từng trải qua hoạt động từ Đông sang Tây, với chiếc máy đánh chữ đã cũ được sử dụng từ hồi ở căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30/8/1945. Đó cũng là ngày vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trước đông đảo nhân dân tại Ngọ Môn - kinh đô Huế và nộp ấn kiếm cho Chính phủ cách mạng lâm thời.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, bản Tuyên ngôn độc lập được vang lên hùng hồn trước đông đảo đồng bào trong nước và người nước ngoài, trong không khí mùa thu độc lập đầu tiên của đất nước, sông núi khắc ghi chân lý ngàn đời: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2].
Những câu, chữ của Tuyên ngôn độc lập chứa đựng hồn non sông nước Việt ấy là sản phẩm quá trình phát triển của lịch sử dân tộc có tinh hoa văn minh nhân loại; là hơi thở, tâm hồn của Tổ quốc Việt Nam anh hùng, bắt nguồn từ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt 34 năm (1911-1945), đồng thời là kết quả 15 năm sáng tạo, lãnh đạo của Đảng ta.
Chính vì vậy, ngày 30/8/1945, “sau khi đọc bản thảo cho những người cộng tác thân cận nghe và hỏi ý kiến họ”, Bác Hồ đã không dấu nổi sự sung sướng: Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy. Sung sướng vì đây không chỉ là kết quả lao động tinh thần của Người mà chính là kết quả của bản yêu sách gửi cho Hội nghị Véc-xây mà Nguyễn Ái Quốc đã viết năm 1919 và Chương trình Việt Minh được Người viết năm 1941. Hơn nữa, bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và tinh hoa của tiền bối như các cụ Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác; của bao nhiêu sách báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước Việt Nam từ hơn 80 năm trước. Bản Tuyên ngôn độc lập chính “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”; là “kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”lúc bấy giờ[3].
Đó là kết quả thực, giá trị thực, tồn tại khách quan, bền vững mà không một ai có thể phủ nhận, xuyên tạc được !
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.3.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.12.
[3]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tr.110.
Lê Mật