Thiên nhiên đã ban tặng cho Tuyên Quang nhiều danh lam thắng cảnh như: thác Bản Ba, thác Mơ, Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Hang Khuổi Pín, động Song Long, Động Tiên, những cánh rừng nguyên sinh như Tát Kẻ - Bản Bung, Cham Chu với hệ động - thực vật phong phú, suối nước khoáng nóng Mỹ Lâm... Tuyên Quang cũng là nơi khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hóa của nhiều dân tộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá.
Với truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, bất khuất, từng là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội và Chính phủ làm việc và lãnh đạo cách mạng, Tuyên Quang có nhiều di tích lịch sử cách mạng như Cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, Kim Bình, bến Bình Ca... Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn có những di tích lịch sử - văn hóa như thành nhà Mạc, thành nhà Bầu, đền Hạ, Đền Mẫu Ỷ La... Đó là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để Tuyên Quang tập trung khai thác, phát triển du lịch.
Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, là một trong những lĩnh vực, khâu đột phá của tỉnh. Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Ngày 30/7/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 426/QĐ-UBND tỉnh về Ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, qua đó nhằm từng bước đưa du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.
Hình ảnh khinh khí cầu tại Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất năm 2022 do tỉnh Tuyên Quang tổ chức
Thời gian qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch được triển khai, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuyên Quang đã hình thành một số khu, điểm với sản phẩm du lịch đó là: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với loại hình du lịch lịch sử, văn hóa; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng; Khu du lịch Na Hang - Lâm Bình; điểm du lịch thác Bản Ba, huyện Chiêm Hóa thu hút du khách khám phá loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại. Đặc biệt Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam chứng nhận “Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.
Lễ Hội thành Tuyên
Du lịch cộng đồng đang phát triển rộng tại các huyện, thành phố, thu hút đông khách du lịch, nhất là các điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Hệ thống cơ sở kinh doanh du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả. Môi trường du lịch được cải thiện, nhận thức về du lịch đổi mới, có chuyển biến tích cực. Tỉnh đang triển khai thực hiện hệ thống du lịch thông minh, hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch từng bước được cải thiện, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có quy mô được đầu tư xây dựng; các khu du lịch trọng điểm đang được quan tâm thu hút đầu tư.
Với thông điệp “Tuyên Quang điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn”, Tuyên Quang đã tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế, ra mắt sản phẩm du lịch trải nghiệm mới "Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa" thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP, gian hàng ẩm thực, các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc; các hoạt động du lịch trải nghiệm về nguồn, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... qua đó tạo sự kết nối bền chặt giữa du lịch lịch sử và trải nghiệm văn hóa địa phương.
Thời gian tới, để du lịch đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích và trách nhiệm về phát triển du lịch và kinh tế du lịch. Xác định rõ phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp xu thế và tiềm năng, lợi thế của địa phương; là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Có cơ chế, chính sách để huy động sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Thứ ba, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trọng tâm là: Cơ chế chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đào tạo nguồn nhân lực; truyền thông, xúc tiến quảng bá; xây dựng hạ tầng viễn thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ. Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, trong đó có chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín cao cho lĩnh vực du lịch địa phương.
Phùng Thị Khánh Lệ - Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang