Phát huy tiềm năng du lịch
Tuyên Quang được xem là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” với nhiều thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Tuyên quang là địa danh gắn với quá trình hình thành dân tộc và đất nước Việt Nam. Đây còn là nơi khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc sinh sống từ lâu đời trên vùng đất này. Tuyên Quang có quần thể di tích lịch sử với 635 điểm di tích lịch sử, văn hóa, có gần 70 di tích đền, chùa có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa với phong cảnh đẹp nguyên sơ, như đền Thác Cái, đền Cảnh xanh, đền Bắc Mục, chùa Phúc Lâm… Có mỏ nước khoáng Mỹ Lâm với nhiệt độ lên đến 690c được ví như “viên ngọc quý” giấu mình trong lòng đất từ nhiều năm nay đã có tiếng về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình nơi hội tụ của sông Gâm và sông Năng, giáp hồ Ba Bể, vùng đất gắn với những huyền thoại đậm tính nhân văn và thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, được ví như là “Hạ Long giữa đại ngàn”. Thiên nhiên đã ưu đãi Tuyên Quang nhiều tài nguyên quý giá, trong đó có những cánh rừng nguyên sinh còn nhiều động, thực vật quý hiếm như: Tát Kẻ-Bản Bung, Cham Chu…
Chèo thuyền trên lòng hồ Na Hang, Tuyên Quang
(Ảnh: internet)
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã xác định du lịch là khâu đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 28-KL/TU ngày 18/5/2016 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. UBND tỉnh đã hoàn thành quy hoạch các khu du lịch và một số điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển từng loại hình du lịch. Các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư; hình thành 385 cơ sở lưu trú và 220 cơ sở ăn uống nhà hàng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của du khách. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào du lịch, dịch vụ tại tỉnh (Tập đoàn Vingroup, Mường Thanh,...). Tăng cường liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế; nhiệm kỳ qua đã thu hút trên 6,7 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác tương xứng, thu ngân sách Nhà nước từ du lịch còn thấp, người dân chưa giàu lên từ du lịch. Trong khi đó, đại dịch ảnh hưởng nên một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh; Tuyên Quang giãn cách xã hội, hạn chế đi lại khiến cho các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh trở nên vắng vẻ, nhiều cơ sở du lịch buộc phải đóng cửa vì không có khách.
Giải pháp chủ yếu phát triển du lịch
Để khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra và thúc đẩy phát triển du lịch thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện Đề án phát triển du lịch thông minh và Đề án phát triển du lịch tâm linh, triển khai Quỹ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động đón khách tại các khu, điểm du lịch; xây dựng các sản phẩm quà tặng; hỗ trợ người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch vượt qua đại dịch; đẩy nhanh triển khai công tác tiêm phòng Covid-19 cho hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ các cơ sở kinh doanh lữ hành, lưu trú.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, khai thác tiềm năng về du lịch lịch sử, cách mạng, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án du lịch thông minh; phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, riêng có; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tua, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.
Phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: du lịch, thương mại, viễn thông, vận tải, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, văn hóa thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo. Quan tâm phát triển các ngành dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ logistic..., phát triển thương mại điện tử đồng thời nâng cấp, phát triển chợ nông thôn tại những nơi có điều kiện.
Khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tập trung vào các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương.
Thu Thảo