Nhận thức rõ vị trí, vai trò của thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Tuyên Quang đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…
Chính quyền xã, phường, thị trấn thông tin kịp thời cho nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; dự án, công trình đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư đối với cấp xã, các khoản huy động đóng góp của nhân dân.
Bộ thủ tục hành chính, trình tự và thời gian giải quyết được niêm yết công khai theo quy định, đồng thời thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; 138/138 xã, phường, thị trấn thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 100% thủ tục được đưa vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử để xử lý. Thực hiện đối thoại, tiếp công dân; quan tâm giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND huyện Lâm Bình tiếp xúc – đối thoại với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân xã Khuôn Hà.
(Ảnh: lambinh.gov.vn)
Tỉnh tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp thôn, tổ dân phố, góp phần sắp xếp thành công, giảm được 3 đơn vị hành chính cấp xã, 363 thôn, tổ dân phố và 5.236 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Tỉnh tổ chức rà soát quy ước thôn, xóm, bản, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn cơ sở thực hiện sửa đổi, bổ sung quy ước. Qua rà soát, xác định được quy ước của 475 thôn, tổ dân phố cần sửa đổi, bổ sung do có nội dung không còn phù hợp; 202 thôn, tổ dân phố cần thay thế quy ước do sáp nhập, đổi tên.
Tỉnh đã thực hiện dân chủ trong xây dựng văn kiện đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở, chuẩn bị nhân sự đảm bảo nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện; thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tham gia dự thảo văn kiện đại hội các cấp theo quy định; dân chủ trong bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; dân chủ trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Thông qua phát huy dân chủ ở cơ sở, toàn tỉnh huy động được 23,4 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình ghi công liệt sĩ; 54,92 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.908 hộ gia đình người có công với cách mạng làm nhà ở; trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 680 người, trợ cấp một lần cho 6.800 người có công và thân nhân...; huy động các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3,76%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5%/năm; hoàn thành xoá nghèo cho hộ gia đình chính sách, người có công; hỗ trợ 3.261 tấn gạo cho 65.307 lượt hộ với 219.111 lượt nhân khẩu bị thiếu đói lương thực; hỗ trợ cho 243.575 người bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 204,6 tỷ đồng.
Tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp vào các chủ trương, mức đóng góp, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền mua nguyên vật liệu thực hiện các công trình theo phương châm "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ" góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tất cả xã, phường, thị trấn của Tuyên Quang đều thành lập Ban Thanh tra nhân dân, đã thực hiện giám sát 1.568 vụ việc. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước, các quy định của địa phương; việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, việc sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp... Thành lập 210 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các công trình thực hiện theo phương châm "Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ"; xây dựng 3.376 mô hình Tổ tự quản về phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; 1.723/1.733 khu dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường. Thành lập 1.736 tổ hòa giải với 10.771 hòa giải viên, tiếp nhận và hòa giải thành 23.178/ 26.475 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,55%.
Ban Thanh tra nhân dân phường An Tường (Thành phố Tuyên Quang) tổ chức giám sát việc thu, nộp các khoản quỹ tại thôn 15, phường An Tường
(Ảnh: mttq.tuyenquang.gov.vn)
Việc thực hiện quy chế dân chủ đã phát huy được vai trò của nhân dân trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh; dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư. Phát huy mạnh mẽ vai trò, tiềm năng sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tích cực đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, kinh phí tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng" ở tất cả các khâu của quá trình từ khi lập kế hoạch đầu tư xây dựng đến khâu thanh toán, quyết toán.
Kết quả thực hiện quy chế dân chủ tạo động lực quan trọng thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà đối với nhân dân.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa quyết liệt. Việc cụ thể hóa các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ của chính quyền còn chậm; chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Ở một số xã, phường, thị trấn chưa thực hiện bổ sung quy chế thực hiện dân chủ, đặc biệt là bổ sung quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình "Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ" để tổ chức thực hiện; việc công khai, dân chủ và tạo điều kiện để nhân dân tham gia thực hiện giám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các công trình xây dựng còn hạn chế…
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang xác định tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, các loại hình cơ sở; thực hiện tốt hơn chế độ dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp và các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư nhằm phát huy sức sáng tạo của nhân dân, khai thác tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Quang Thắng