Thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016- 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra nội dung, tiêu chuẩn và danh hiệu thi đua, các giải pháp và nhiệm vụ, phân công cho các ngành, đơn vị triển khai thực hiện phong trào. Phong trào đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và được các ngành, các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Các địa phương, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế, phát động nhiều phong trào thi đua thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, các cơ chế, chính sách giảm nghèo, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, cộng đồng trách nhiệm vì người nghèo, hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Phát huy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp các tổ chức, cá nhân trong thực hiện Chương trình giảm nghèo. Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý của các cấp, các ngành, các địa phương, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân trong thực hiện Chương trình giảm nghèo, qua đó góp phần chung tay thực hiện chương trình giảm nghèo.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn Mặt trận các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức thành viên tham mưu tổ chức và triển khai phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ xã Kháng Nhật tham gia rà soát thực trạng nhà ở của hộ nghèo đăng ký làm nhà ở mới
(Ảnh: mttq.tuyenquang.gov.vn)
Nội dung thi đua tập trung vào vận động các hộ gia đình đăng ký thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, chủ động vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội; vận động cho các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động giúp đỡ các hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo. Đề xuất với chính quyền các cấp tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước; nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế đã có hiệu quả trên địa bàn, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác xã trong sản xuất.
Tổ chức giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các thôn, khu dân cư thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nỗ lực của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo; sự hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vốn, tiếp cận các dịch vụ xã hội, giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống và lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo vền vững.
Mô hình nuôi trâu nhốt chuồng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) vươn lên thoát nghèo
(Ảnh: danvan.vn)
Công tác biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong thực hiện phong trào được quan tâm triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, góp phần chung tay chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực. Từ năm 2016 đến nay, đã có 267 tập thể, 225 cá nhân và 127 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được khen thưởng, biểu dương vì có thành tích trong thực hiện phong trào "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết quả của Phong trào đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh và các huyện, thành phố thuộc tỉnh Tuyên Quang đều giảm, đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm. Cụ thể:
Trong 05 năm (2016-2020), tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm 18,78% (tương đương giảm 36.690 hộ), bình quân giảm 3,76%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch là giảm 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo (xã thực hiện Chương trình 135) giảm 31,94% (tương đương giảm 17.207 hộ), bình quân giảm 6,55%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch là giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 28,36% (tương đương giảm 27.607 hộ), bình quân giảm 5,67%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch là giảm 4%/năm. Toàn tỉnh đã xóa 317 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Đến nay trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Phát triển nghề trồng chè giúp nhiều hộ nông dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thoát nghèo bền vững.
(Ảnh: tuyenquang.gov.vn)
Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân.
Những kết quả đó còn là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc trong thời gian tới.
Phùng Thị Khánh Lệ