Triển khai thực hiện Đề án số 01, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, quyết định về vấn đề này. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của đơn vị. Một số cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp được sắp xếp lại theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực tạo sự liên thông, thống nhất giải quyết trong công việc.
Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục. Một số đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục được đổi mới theo hướng tập trung vào việc tăng cường trao đổi, khuyến khích các đơn vị có điều kiện chuyển sang việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; các đơn vị có điều kiện chuyển sang tự chủ hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động sang công ty cổ phần.
Trung tâm Hành chính công là bước đột phá trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã rà soát, xây dựng vị trí việc làm đúng quy định; hoàn thành việc xây dựng đề án, xác định vị trí việc làm theo yêu cầu. Toàn tỉnh giảm 01 đảng bộ trực thuộc, 47 tổ chức cơ sở đảng; giảm 37 phòng chuyên môn và 95 đơn vị sự nghiệp công lập (Trong đó: Đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo giảm 48 đơn vị; đơn vị sự nghiệp y tế giảm 05 đơn vị; Ban Quản lý dự án các cấp giảm 16 đơn vị; đơn vị sự nghiệp khác giảm 16 đơn vị); có 17/21 sở, ngành giảm 37 phòng chuyên môn theo quy định. Trong năm 2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh trực thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, từ đó đã giảm 16 bộ phận một cửa thuộc các sở, ban, ngành; đồng thời hướng dẫn uỷ ban nhân dân cấp huyện thành lập Trung tâm Hành chính công cấp huyện theo đúng yêu cầu của Đề án 01.
Tỉnh đã hoàn thành việc sáp nhập xã theo quy định, đã sáp nhập xã Tân Cương và xã Phú Thịnh thành xã Tân Phú thuộc huyện Vĩnh Tường. Như vậy, sau khi sắp xếp toàn tỉnh có 136 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 01 xã). Sáp nhập 272/274 thôn, tổ dân phố thành 130 thôn, tổ dân phố, giảm 142 thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện giảm 1.714 chỉ tiêu so với biên chế được giao năm 2015, trong đó: công chức 155 chỉ tiêu đạt 8,6% (đã có 11 cơ quan hoàn thành tinh giản biên chế); viên chức 1.532 chỉ tiêu đạt 5,94%; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 27 chỉ tiêu đạt 6%, bảo đảm đạt tỷ lệ tinh giản biên chế theo kế hoạch.
Đồng thời, triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 và Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tinh giản 288 trường hợp (09 công chức cấp tỉnh, huyện; 218 viên chức; 05 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 56 cán bộ, công chức cấp xã); ngoài ra, đã cho thôi việc theo nguyện vọng và hưởng chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với 1.318 trường hợp và tiến hành giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh 11.473.
Huyện Vĩnh Tường trở thành điểm sáng trong thực hiện Đề án 01 của BTV Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thực hiện bố trí kiêm nhiệm, nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Từ năm 2018, thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện đối với 03 địa phương (Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường). Thực hiện nhất thế hóa chức danh Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy với Trưởng phòng Nội vụ tại các huyện Tam Dương, Yên Lạc; Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là Chánh thanh tra huyện tại Tam Dương bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả, không gây xáo trộn tình hình tại địa phương. Thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã đối với 52 địa phương; Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đối với 14 địa phương. Đồng thời, thực hiện bố trí kiêm nhiệm nhân viên trường học; điều chuyển 136 nhân nhân viên y tế trường học (trừ khối mầm non, tiểu học) sang trạm y tế cấp xã.
Những kết quả đạt được trong triển khai Đề án 01 là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, để thực hiện tốt hơn công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức củađội ngũ cán bộ công chức và nhân dân về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động, Nghị quyết của Trung ương để đánh giá chính xác, khách quan, đầy đủ những việc đã làm được, chưa làm được, kể cả những việc đã làm được nhưng có phát sinh bất cập, hạn chế, trên cơ sở đó chỉ rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và các quy định mới ban hành của Trung ương.
Hai là, ban hành quy định đánh giá, phân loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác nhận xét, đánh giá và làm căn cứ để đánh giá, xếp loại kết quả công tác hàng năm.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng công chức viên chức trong đó ưu tiên chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng những người có trình độ cao trong các lĩnh vực mà Tỉnh đang có nhu cầu; đẩy mạnh thí điểm thi tuyển lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh; đồng thời,tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,công chức, viên chức của tỉnh ở nước ngoài trong những năm tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Bốn là, đổi mới thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng thống nhất quản lý biên chế chung toàn tỉnh; không phân bổ chỉ tiêu tinh giản biên chế theo bình quân như hiện nay mà căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế thể hiện. Từng bước giao tự chủ về số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn.
Năm là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh.
Kim Anh