Trong những năm 90 của thế kỷ XX, Phú Thọ là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn với sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu; hệ thống thiết chế văn hóa còn nhiều bất cập. Cùng với đó, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường dẫn đến nguy cơ mai một những giá trị truyền thống, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội, đặt ra thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn minh tại địa phương. Đứng trước thách thức đó, từ năm 2000, tỉnh Phú Thọ phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực qua 4 giai đoạn: 2000-2005; 2006-2010; 2011-2015 và 2015-2020. Phong trào nhằm hình thành nếp sống văn minh, nâng cao trình độ dân trí và đời sống nhân dân; đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Hơn 20 năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các nội dung, phong trào như: Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng gia đình, làng, thôn, bản, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. Nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chỉ đạo lồng ghép công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình vào thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tiêu chí gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ trở thành một tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, giữ gìn sự chung thủy giữa vợ và chồng; lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà; sự tôn kính, biết ơn tổ tiên; sống có nghĩa, có tình với anh em, họ hàng, làng xóm, đồng thời tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, tôn trọng và thực hiện quyền bình đẳng giới... Thông qua các hoạt động đã nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của nhân dân trong việc thực hiện và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương tốt hơn, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó và có trách nhiệm với cuộc sống hàng ngày của từng hộ dân ngay tại khu dân cư.
Buổi biểu diễn của Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ xã Phú Nham, huyện Phù Ninh
(Ảnh: phutho.gov.vn)
Sau hơn 20 năm triển khai, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh; tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, sâu rộng, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hằng năm, có trên 87% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá; 87,9% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, trên 34% số xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.
Để phong trào tiếp tục lan tỏa, khơi dậy nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng, làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vùng Đất Tổ, trong giai đoạn mới, cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý nghĩa của việc thực hiện đời sống văn hóa, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Phải gắn kết đồng bộ giữa xây dựng đời sống văn hóa với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện tốt Kế hoạch số 3722/KH-UBND ngày 23/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026 với mục tiêu tiếp tục phát triển Phong trào chất lượng, hiệu quả, thiết thực, gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Cụm dân cư Khu 14, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được UBND huyện công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 11/2022
(Arnh: nongthonmoiphutho.vn)
Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng thông qua thực hiện quy ước, hương ước; vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn khu dân cư cho Trưởng khu dân cư, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, nhất là ở những khu dân cư mới sáp nhập.
Linh Lam