Mô hình hợp tác xã (HTX) được hình thành cách đây khoảng 200 năm ở châu Âu và từ đó phát triển ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. HTX là thành quả của nền văn minh nhân loại, được khởi nguồn và xuất phát từ mong muốn, ước mơ về một xã hội dân chủ, công bằng, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người.
Theo V.I.Lênin, bản chất chung của HTX là sự hợp tác của những người sản xuất nhỏ, đặc biệt là nông dân trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Chế độ HTX là tất yếu khách quan của quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa[1].
Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng HTX vào Việt Nam. Từ khi mô hình HTX được thành lập lần đầu tiên vào năm 1955 cho đến nay, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần tiến hành đổi mới mô hình HTX nhằm thích ứng với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Luật HTX năm 2012 ra đời là một bước tiến rõ rệt trong quá trình nhận thức của Đảng, đã đưa HTX Việt Nam trở về đúng bản chất xã hội chủ nghĩa khi mang lại lợi ích cho các thành viên.
Luật Hợp tác xã năm 2012
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động theo Luật HTX 2012 mang bản chất xã hội chủ nghĩa khi đem lại lợi ích cho các thành viên là những người nông dân yếu thế, góp phần tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này được thể hiện:
Thứ nhất, mô hình HTXNN hoạt động theo Luật HTX 2012 được thành lập nhằm mục tiêu đem lại lợi ích cho tất cả các thành viên là những người nông dân yếu thế trong xã hội, giúp họ nâng cao vị thế kinh tế, chính trị, xã hội.
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời năm 1988 từng là bước tiến trong nhận thức của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp. Ruộng đất canh tác từ HTX được chuyển về cho xã viên đi đôi với kinh tế hộ tự chủ được thừa nhận. Mô hình HTX chính thức được xóa bỏ khỏi chế độ tập trung quan liêu bao cấp, tập thể hóa tư liệu sản xuất, nỗ lực chuyển đổi trong cơ chế kinh tế thị trường đang dần được hình thành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt khi đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì phương thức sản xuất nhỏ lẻ, làm ăn manh mún - đặc trưng của kinh tế hộ ở Việt Nam lại trở nên lỗi thời, khó có thể tồn tại bền vững. Điều này dẫn đến quan hệ sản xuất không phù hợp với lực lượng sản xuất.
Vì vậy, phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay, cần thiết phải xóa bỏ cách làm ăn manh mún tự phát của kinh tế hộ. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc xóa bỏ kinh tế hộ như cách mà chúng ta đã tiến hành trong những năm trước đổi mới. Bản chất vấn đề là chúng ta giúp kinh tế hộ liên kết hợp tác để hình thành lối sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật trong sản xuất đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Mô hình HTXNN theo Luật HTX 2012 được thành lập nhằm mục đích liên kết những người nông dân yếu thế, đem lại lợi ích nhiều nhất, tốt nhất cho những người nông dân yếu thế, trong đó lợi ích về sử dụng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp được chú trọng và quan tâm hàng đầu, bao gồm: Mua chung sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp từ thị trường để phục vụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên; bán chung sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên ra thị trường; mua sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên để bán ra thị trường; mua sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để bán cho thành viên, hợp tác xã thành viên; chế biến sản phẩm của thành viên, hợp tác xã thành viên; cung ứng phương tiện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ thành viên, hợp tác xã thành viên; tín dụng cho thành viên, hợp tác xã thành viên; tạo việc làm cho thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.
Mô hình HTXNN theo Luật HTX 2012 được thành lập nhằm mục đích liên kết những người nông dân yếu thế. Ảnh: Internet
Thứ hai, mô hình HTXNN theo Luật HTX 2012 mang bản chất xã hội chủ nghĩa vì phân chia thu nhập của hợp tác xã chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên chứ không phải ưu tiên phân chia theo vốn góp nên tạo động lực giúp thành viên tham gia vào quá trình lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất ngày càng nhiều cho xã hội.
Mô hình HTXNN ở Việt Nam từ năm 1955 đến 1986 thực hiện phân chia sản phẩm của hợp tác xã theo cơ chế bình quân, bao cấp, chế độ công điểm nên không phát huy sức sáng tạo, lòng nhiệt tình hăng say lao động của các hộ xã viên. Trong thời kỳ đổi mới, mô hình HTX theo Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, Luật HTX năm 1996 và theo Luật HTX năm 2003, thu nhập của HTX chủ yếu phân chia ưu tiên theo vốn góp sau đó đến lao động và mức độ sử dụng dịch vụ củaHTX.
Đến Luật HTX 2012, quy định thu nhập của HTX, liên hiệp HTX được phân phối chủ yếu và ưu tiên theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên (đó là tỷ lệ giá trị sản phẩm, dịch vụ mà từng thành viên, hợp tác xã thành viên sử dụng trên tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng cho tất cả thành viên, hợp tác xã thành viên). Cơ chế phân phối này góp phần thúc đẩy người nông dân liên kết hợp tác, lao động sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra của cải vật chất ngày càng nhiều cho xã hội.
Thứ ba, mô hình HTXNN hoạt động theo Luật HTX 2012 mang bản chất xã hội chủ nghĩa vì thực hiện theo cơ chế quản lý công sản trên cơ sở hợp tác tự nguyện của những người nông dân tự quản.
Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng chủ trương thực hiện công hữu hóa về tư liệu sản xuất,tổ chức nông dân vào tổ đổi công rồi tiến dần lên lập các HTX, từ HTX bậc thấp rồi tiến lên HTX bậc cao. Vì vậy, mô hình HTXNN trong những năm 1955-1986 nằm trong khuôn khổ của mô hình hợp tác hóa - tập thể hóa theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Hợp tác xã quản lý toàn bộ tư liệu sản xuất, điều hành mọi khâu: sản xuất, lưu thông, phân phối. Nông dân thực chất trở thành người làm công cho hợp tác xã. Nguyên tắc tự nguyện bị vi phạm. HTX hoạt động không hiệu quả. Đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, họ xin ra khỏi HTX, dẫn đến hàng loạt các HTX bị tan rã.
Vì vậy, cần phải hiểu đúng bản chất xã hội chủ nghĩa của mô hình HTXNN về vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay để phát huy quyền làm chủ của xã viên. Ở góc độ này, mô hình HTXNN 2012 một lần nữa khẳng định rằng tư liệu sản xuất là của xã viên chứ không phải của hợp tác xã. Bản thân các hộ xã viên vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm cây, con mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải của HTX. Nông dân không phải là những người làm công cho HTX, được HTX trả công. Họ tự nguyện cùng nhau hợp tác, liên kết trong sản xuất thông qua một tổ chức đó là HTX. Tư liệu sản xuất được những người nông dân tự nguyên đóng góp để cùng nhau hoạt động sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn sản xuất đơn lẻ.
Đây được gọi là mô hình quản lý công sản của những người nông dân tự quản. Họ có quyền thuê chủ nhiệm (hiện nay gọi là giám đốc HTX) nhằm quản lý, điều hành giúp họ. Thay vì họ được HTX trả công thì ngược lại họ có quyền trả công cho bộ máy tổ chức của HTX.
Thứ tư, mô hình HTXNN hoạt động theo Luật HTX 2012 mang bản chất xã hội chủ nghĩa vì cơ chế hoạt động trong bộ máy tổ chức được minh bạch, dân chủ hơn hẳn các mô hình hợp tác xã trước đó.
Trước khi Luật HTX 2012 ra đời, chức năng quản lý và điều hành trong bộ máy tổ chức của HTX bị lồng ghép, không có sự tách bạch nhằm bảo đảm sự minh bạch, dân chủ. Bộ máy quản lý của HTX bao gồm Ban quản trị, Ban kiểm soát, Trưởng ban quản trị kiêm Chủ nhiệm HTX.
Luật HTX năm 2003 cho phép HTX được lựa chọn thành lập bộ máy theo một trong hai hình thức: Thành lập bộ máy vừa quản lý vừa điều hành hoặc HTX có thể tách rời bộ máy quản lý độc lập với bộ máy điều hành. Tuy nhiên vì được Luật cho phép nên trên thực tế HTX vẫn thành lập bộ máy vừa quản lý, vừa điều hành, trưởng Ban quản trị đồng thời là chủ nhiệm HTX. Với hình thức bộ máy tổ chức mang tính kiêm nhiệm đã đánh mất đi những giá trị cơ bản của sự hợp tác đó là: tự do, bình đẳng, công bằng, đoàn kết, trách nhiệm, minh bạch và dân chủ. Với mô hình này, quyền hạn của người đứng đầu HTX được đề cao, được tối đa hóa quyền lực.
Khắc phục hạn chế trên, Luật HTX 2012 đã ban hành những quy định nhằm tách bạch bộ máy quản lý với bộ máy điều hành. Hội đồng quản trị (HĐQT) là cơ quan quản lý HTX do hội nghị thành lập hoặc Đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín; giám đốc là người điều hành hoạt động của HTX. HĐQT là cơ quan đại diện quyền lợi cho các thành viên có thể thuê giám đốc HTX hoặc có thể bầu giám đốc HTX. Trong trường hợp này, giám đốc HTX là thành viên HĐQT nhưng không đồng thời là chủ tịch HĐQT. Luật HTX năm 2012 đã trao quyền lực tối đa cho tập thể thành viên HĐQT là cơ quan đại diện cho lợi ích của các thành viên HTX, giảm thiểu quyền lực của người đứng đầu bộ máy quản lý, tạo sự công bằng, dân chủ, minh bạch trong bộ máy tổ chức HTX, đảm bảo nguyên tắc tổ chức: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Như vậy, có thể thấy rằng, Luật HTX 2012 ra đời là một bước tiến trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình HTX. Luật HTX 2012 ra đời nhằm đưa HTX trở về đúng bản chất xã hội chủ nghĩa của mô hình kinh tế tập thể. Đó là mô hình thành lập và hoạt động vì lợi ích của thành viên là những người nông dân yếu thế trong xã hội, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Với những thành tựu đạt được về mặt lý luận cũng như thực tiễn, mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
[1]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 45, tr.422-423.
Thái Trần