Vượt khó để xây dựng nông thôn mới
Năm 2011, Yên Bái bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp. Hầu hết các xã chưa có quy hoạch phát triển chung, tổng thể; cơ sở hạ tầng yếu kém; sản xuất manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo cao (gần 30%) và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 14,8 triệu đồng/năm; chỉ có 2/157 xã đạt từ 10-15 tiêu chí nông thôn mới, có 17/157 xã đạt 5-9 tiêu chí và kết thúc giai đoạn 2011-2015, mới chỉ có 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bằng sự quyết tâm, kiên trì của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”,“Việc gì có tác động trực tiếp tới đời sống của người dân thì ưu tiên làm trước”, “Chậm nhưng chất lượng, không chạy theo thành tích”, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã đạt kết quả cao và tương đối toàn diện, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của người dân nông thôn, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 88/150 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 148/150 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 118/150 xã đạt tiêu chí số 4 về điện; 83/150 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học; 80/150 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 120/150 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 139/150 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.
Nhân dân xã Hưng Khánh huyện Trấn Yên (Yên Bái) bê tông hóa đường giao thông nông thôn
(Ảnh: internet)
Toàn tỉnh có 496 hợp tác xã, trong đó, 299 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; 197 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, góp phần từng bước giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giảm được 4,52% hộ nghèo, có 107/150 xã đạt tiêu chí số 11 về giảm hộ nghèo.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đổi mới, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, chất lượng điều trị và dịch vụ y tế được cải thiện. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, kịp thời, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 98,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao, đạt trên 96,7%. Tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 112 đơn vị.
Công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo và các đối tượng yếu thế được triển khai ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, trong đó 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám chữa bệnh và được tiếp cận với dịch vụ y tế công, từ đó có điều kiện để chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Hiện nay, toàn tỉnh có 123/150 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa.
Quốc phòng và an ninh, tình hình an ninh trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định. Đến hết năm 2020, Công an tỉnh đã bố trí Công an chính quy tại 160/160 địa bàn gồm 150 xã, 10 thị trấn (đạt 100%). Toàn tỉnh có 145/150 xã đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh.
Với những kết quả tích cực đó, đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 78/150 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là 86 xã, chiếm 57,33%. Số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 3 xã, chiếm 2%. Số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là 33 xã, chiếm 22%. Số xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí là 28 xã, chiếm 18,67%.
Cổng vào Làng văn hóa thôn Làng Già, xã Yên Thắng - thôn nông thôn mới kiểu mẫu
(Ảnh: internet)
Tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Yên Bái còn một số khó khăn, hạn chế: Một số địa phương thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền chưa kịp thời, mới quan tâm ở diện rộng, thiếu chiều sâu. Một số bộ phận kể cả cán bộ lãnh đạo và nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát, tuy nhiên, một số địa phương tình trạng ô nhiễm môi trường đang có dấu hiệu tăng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Việc huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, vốn huy động trong nhân dân chưa nhiều do thu nhập của người dân thấp, trong khi ngân sách đầu tư của Nhà nước hạn chế. Trình độ, năng lực cán bộ ở một số địa phương, nhất là các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến công tác tham mưu, tổng hợp, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới chưa đạt hiệu quả cao.
Để phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục phấn đấu để hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, Yên Bái tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo Nghị quyết số 61/NQ-TU của Tỉnh ủy; hỗ trợ, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện xây dựng Đề án quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện; tuyệt đối không được ép buộc, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân.
Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, đặc biệt là trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng. Qua đó, khơi dậy được nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ đang thực hiện trên địa bàn để thực hiện các nội dung, mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tuyên truyền rộng rãi và có các biện pháp giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Lâm Hưng