Mục tiêu của du lịch tỉnh Yên Bái là đến năm 2030 đón trên 2.500.000 lượt khách, lượt khách quốc tế chiếm 10,8%/ năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 33.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, đã bước đầu hình thành nên 04 vùng du lịch trọng điểm, đó là: Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy (huyện Yên Bình, Lục Yên); vùng du lịch thành phố Yên Bái và Nam Trấn Yên; vùng du lịch Bắc Trấn Yên – Văn Yên; Vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Căng Chải).
Yên Bái cũng có nhiều sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc, điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong vàngoài nước như: Tuần văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải; lễ hội Đền Đông Cuông, du lịch Hồ Thác Bà, du lịch Suối Giàng, khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, suối nước nóng Trạm Tấu, các sản phẩm du lịch cộng đồng... Nhiều sản vật địa phương có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên như: Lúa nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn); Sơn Tra (huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu); Chè Shan hữu cơ tại Suối Giàng, Nậm Mười, Sùng Đô (huyện Văn Chấn); Phình Hồ (huyện Trạm Tấu); Gà đen (huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên); Lợn bản địa (huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên); Vịt bầu Lâm Thượng (huyện Lục Yên); Quế hữu cơ (huyện Văn Yên); Dược liệu (huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu)... Bên cạnh đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh Yên Bái ghi nhận 183 sản phẩm cấp tỉnh; trong đó có 161 sản phẩm 3 sao, 22 sản phẩm 4 sao. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 300 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, ít nhất 45 sản phẩm đạt 4 sao, từ 4 đến 6 sản phẩm đạt 5 sao; từ 15 đến 20 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Làm lúa nếp Tú Lệ, Yên Bái
(Ảnh: Internet)
Toàn tỉnh Yên Bái hiện nay đang có 111 di tích, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 98 di tích cấp tỉnh. Trong đó, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, “Nghệ thuật Xòe Thái” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Nghệ thuật Xòe Thái” tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
(Ảnh: Internet)
Năm 2022, tỉnh Yên Bái đã đón trên 1,5 triệu lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 1.101 tỷ đồng (vượt 30,2% so với kế hoạch). Đây là những thành tựu lớn của ngành du lịch, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội.
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, cần thực hiện và giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Một là, cần định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù “Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hài hòa thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch cộng đồng, văn hóa lễ hội truyền thống; du lịch lịch sử; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE)... tại 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Tăng cường quảng bá du lịch Yên Bái trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Hai là, chú trọng phát huy giá trị bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, nhất là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch, gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, dân tộc và ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và các ngành dịch vụ có liên quan. Bảo tồn, phát huy, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trong tỉnh gắn với xây dựng con người Yên Bái “ thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Ba là, ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, phù hợp với bản sắc địa phương, tạo nguồn nhân lực dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển ngành và ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh; tập trung hoàn thành các dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư. Sớm hình thành và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch tiêu biểu, nổi trội của tỉnh tại các điểm du lịch: Hồ Thác Bà, Đầm Vân Hội, Nậm Khắt, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Tú Lệ, Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Đông Cuông. Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khác biệt, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện với môi trường, phù hợp với từng phân khúc du khách trong và ngoài nước.
Tuấn Phong