Nhân loại đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Qua mỗi lần như vậy, giai cấp công nhân có những biến đổi sâu sắc. Như C.Mác và Ph.Ăngghen đã đánh giá: “Giai cấp công nhân là người đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ với mức độ xã hội hóa, quốc tế hóa ngày càng cao”, vì vậy, bản chất cách mạng của giai cấp công nhân tiếp tục được khẳng định trong Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
1. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”. Nghĩa là, các nền đại công nghiệp sản sinh và phát triển giai cấp vô sản - giai cấp công nhân hiện đại. Tuy nhiên, cũng chính các cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang làm thay đổi cấu trúc của giai cấp công nhân.
Peter Drucker (1909-2005) - người được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, đã viết: “Không có giai cấp nào trong lịch sử lại tăng nhanh hơn "công nhân cổ xanh" và không có giai cấp nào trong lịch sử lại giảm nhanh hơn giai cấp đó”. Sự suy giảm về số lượng của giai cấp công nhân, đặc biệt là "công nhân cổ xanh" bắt nguồn từ sự suy giảm của lực lượng lao động sản xuất hàng hóa truyền thống. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự thay thế sức lao động con người bằng máy móc.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1784-1871) đã làm lay chuyển tận gốc trật tự kinh tế cũ tồn tại và phát triển hàng trăm năm trước đó. Chính sự phát triển vượt bậc của thương mại và công nghiệp đã làm sụp đổ từng mảng lớn hình thái kinh tế- xã hội phong kiến. Tự do hóa thương mại, tự do hóa sản xuất và đặc biệt là tự do hóa lao động đã tạo ra những đô thị công nghiệp khổng lồ, kéo theo là những làn sóng chuyển dịch dân cư quy mô lớn từ khu vực nông thôn ra thành thị, tạo ra sự phát triển không ngừng của giai cấp công nhân. Đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1871-1914) với dây chuyền sản xuất hàng loạt tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng trên toàn thế giới.
Nhưng rồi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (1969-2000) với nền sản xuất tự động hóa dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet đã đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chủ yếu sản xuất công nghiệp sang phát triển dịch vụ và thương mại. Và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0), diễn ra từ những năm 2000, dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất (trí tuệ nhân tạo - AI, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot...), đang làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội toàn cầu.
Giáo sư Klaus Schwab (người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF) đã khẳng định: “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua”. Vậy những nguyên nhân khách quan này liệu có làm thay đổi bản chất cách mạng của giai cấp công nhân?
Trên thực tế, chỉ những công nhân làm việc trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp giảm sút về số lượng, nhưng những người lao động trong các ngành dịch vụ gắn liền với công nghiệp và hoạt động theo lối công nghiệp lại tăng. Do đó, số lượng giai cấp công nhân không hề suy giảm bởi những lao động được trả công ăn lương trong nhiều ngành dịch vụ vẫn là công nhân, theo nghĩa họ phải bán sức lao động để kiếm thu nhập và là người trực tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp với mức độ xã hội hóa ngày càng cao.
Như vậy, các cuộc cách mạng công nghiệp không làm giảm số lượng và tỷ trọng giai cấp công nhân trong cơ cấu lao động của nền kinh tế nhưng chắc chắn đã làm thay đổi sâu sắc thành phần, cơ cấu của giai cấp công nhân. Nếu như đa số công nhân thế kỷ XVIII, XIX là công nhân các ngành công nghiệp, mà chủ yếu là lao động cơ khí, thì nay đã xuất hiện công nhân của những ngành ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng của đội ngũ công nhân trong nền công nghiệp tự động hóa, trí thức hóa ngày càng gia tăng. Có thể thấy rõ, quan điểm Mác xít cho rằng “giai cấp công nhân là người đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ với mức độ xã hội hóa, quốc tế hóa ngày càng cao” vẫn giữ nguyên giá trị.
2. Phải khẳng định rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp không làm thay đổi bản chất của giai cấp công nhân mà tiếp tục củng cố và làm gia tăng các đặc tính này. Công nhân vẫn luôn là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, nắm giữ và vận dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại trong lao động sản xuất, trở thành lực lượng đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ có máy móc được kết nối với nhau mà còn tạo ra các “chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”, “chuỗi giá trị toàn cầu” với các nhà máy thông minh, trong đó các hệ thống ảo và thực tế (Virtual Reality System) có thể phối hợp một cách linh hoạt. Các nhà máy, xí nghiệp chuyển sang sản xuất tự động hóa, với sự trợ giúp của robot, khiến cho trình độ, kỹ năng của giai cấp công nhân ngày càng được nâng cao. Cũng từ đây, tính kỷ luật, liên kết, xã hội hóa ngày một gia tăng bởi phân công lao động trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp không còn là phân công giữa các bộ phận trong nhà máy, xí nghiệp mà là phân công lao động trong phạm vi quốc gia và quốc tế với các dây chuyền và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Điều này làm cho tính tổ chức kỷ luật, liên kết, xã hội hóa và tiên phong đi đầu trong các cuộc đấu tranh vì những mục tiêu xã hội tốt đẹp của giai cấp công nhân ngày càng cao, nghĩa là bản chất cách mạng của giai cấp công nhân ngày càng thêm sâu sắc.
Nếu giai cấp công nhân trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã đứng lên kêu gọi và đoàn kết các giai cấp, tầng lớp khác đấu tranh để cải thiện tiền lương, cải thiện điều kiện lao động hay đi đầu trong các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bất công, giành tự do, độc lập cho quốc gia dân tộc, thì trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, họ vẫn tiếp tục đấu tranh cho các quyền tự do cơ bản của con người, đấu tranh để chống lại áp bức, bóc lột, bất công, qua đó thúc đẩy công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội.
Công nhân Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông làm việc trên dây chuyền điện tử hiện đại. Ảnh: Internet
Những mục tiêu cao đẹp đó sẽ không tự động đạt được hay đi liền với các cuộc cách mạng công nghiệp, bởi các cuộc cách mạng công nghiệp một mặt đã đem lại cho con người điều kiện sống tiện nghi hơn, hiện đại hơn nhưng cũng tạo ra nhiều nguy cơ, thách thức trong xã hội, như: Phân hóa, phân tầng xã hội; bất bình đẳng xã hội; con người đối mặt với nhiều rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể dẫn đến tình trạng bất cân xứng về quyền lực, ưu thế quyền lực thuộc về các cá nhân, tổ chức, quốc gia hiểu biết và kiểm soát công nghệ.
Vì vậy, xã hội hiện đại ngày nay vẫn cần lực lượng lao động cấp tiến để quản lý, thúc đẩy sáng tạo và đấu tranh cho những mục tiêu cao đẹp, đó là xây dựng một xã hội trong đó các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo đảm. Lực lượng lãnh đạo đó không ai khác chính là giai cấp công nhân, những người lao động được tôi luyện từ nền sản xuất đại công nghiệp hiện đại.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiền đề mà nó tạo ra sẽ cho thấy những bước tiến mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, đều rất quan tâm và quyết tâm mạnh mẽ hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là một con đường để phát triển rút ngắn, để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Không ai khác, chính giai cấp công nhân Việt Nam sẽ đi đầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Sát cánh cùng họ là các giai cấp, tầng lớp khác sẽ cùng làm nên một hình ảnh mới của Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Theo Hanoimoi.com.vn