Bản lĩnh chính trị của thanh niên vừa là phẩm chất cơ bản vốn có, vừa là phẩm chất tổng hợp được hình thành và phát triển thông qua các quan hệ xã hội của con người. Gia đình là môi trường đầu tiên, có ý nghĩa cơ bản trong quá trình hình thành bản lĩnh chính trị của thanh niên. Nhà trường là môi trường để phát triển một cách cơ bản các phẩm chất, yếu tố cấu thành nên bản lĩnh chính trị của thanh niên. Xã hội là môi trường có ý nghĩa chủ đạo trong rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị của thanh niên.
Với gần 24 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 25% trên tổng dân số của cả nước[1], đây chính là lực lượng xã hội to lớn của hiện tại và là chủ thể sáng tạo của tương lai. Do đó khi đề cập đến công tác thanh niên, Đảng ta đã nêu rõ: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”[2].
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Đảng ta xác định chính là việc giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên. Thông qua công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là giáo dục lý luận chính trị sẽ là tiền đề cho đoàn viên, thanh niên xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, xây dựng niềm tin và định hướng chính trị đúng đắn, qua đó, góp phần xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”, có lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, biết bảo vệ, vận dụng và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng vào quá trình nhận thức và cải tạo thực tiễn.
Việt Nam đang chuyển mình trên con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, thế hệ thanh niên có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong việc khẳng định bản lĩnh Việt Nam, xây dựng cơ đồ Việt Nam xứng tầm thời đại.
Cơ chế thị trường một mặt làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội theo hướng phát triển; mặt khác, nó kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan tới những vấn đề xã hội cần giải quyết như: khoảng cách giàu nghèo, các giá trị xã hội truyền thống bị đảo lộn, tệ nạn xã hội gia tăng, đạo đức, lối sống suy thoái... Bên cạnh đó, chính sách hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa. Song, nó cũng mang tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống xã hội, trong đó, lực lượng thanh niên là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi họ là những người trẻ tuổi, nhạy bén với sự biến đổi của thời cuộc và nhanh chóng tiếp thu, dễ thích nghi những gì mới lạ...
Bản lĩnh chính trị của thanh niên không phải tự nhiên vốn có mà được hình thành thông qua giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện. Đây là một quá trình lâu dài, khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ để củng cố và không ngừng bồi đắp đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn cách mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, trước những thời cơ, vận hội và thách thức đan xen, việc nâng cao bản lĩnh chính trị của thanh niên cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thanh niên trong rèn luyện bản lĩnh chính trị và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh niên, từ đó có chính sách, hoạt động thiết thực chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, quan trọng để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai của đất nước. Thông qua giáo dục và nâng cao nhận thức lý tưởng cách mạng, lý luận chính trị để tăng sức đề kháng, xây dựng, củng cố niềm tin, bản lĩnh cho thanh niên, xây dựng thế hệ thanh niên có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng với vị trí, vai trò làm chủ đất nước.
Hai là, tập trung đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ phù hợp với bối cảnh thời đại.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông thông tin trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tổ chức tập hợp, kết nối, giáo dục và định hướng thanh niên qua các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet, các ứng dụng mạng xã hội được xác định là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ.
Trên cơ sở nắm bắt và tận dụng các trào lưu mới của giới trẻ để xây dựng các bộ công cụ tuyên truyền, sản phẩm truyền thông sáng tạo, sinh động, phù hợp như hình ảnh, video, trò chơi trực tuyến, đồ họa thông tin (infographic), các bài khảo sát, bài báo tương tác đa phương tiện,… Nội dung chủ yếu cần tập trung truyền tải về những thông điệp tích cực, có sức lan tỏa như truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; các gương sáng thanh niên, những câu chuyện hay, việc làm tốt trong cộng đồng của tuổi trẻ và toàn xã hội. Đồng thời chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới để củng cố lập trường, quan điểm trong phản bác các luận điệu xuyên tạc, các thông tin sai trái cho thế hệ trẻ trước sự chống phá của các thế lực thù địch.
Hoạt động đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục cần chú trọng việc xây dựng môi trường, diễn đàn cho thanh niên được “được bàn, được làm”, để qua đó thanh niên được thể hiện tiếng nói, quan điểm, chính kiến cá nhân, hướng đoàn viên, thanh niên đến những tiêu chí, giá trị cốt lõi của thanh niên Việt Nam thời kỳ đổi mới: “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”.
Ba là, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Đoàn, Hội góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị của thanh niên.
Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Đoàn, Hội là yếu tố quan trọng nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, định hướng chính trị của Đoàn, Hội trong các phong trào thanh niên. Việc đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn, Hội phải đặt trong tổng thể công cuộc đổi mới của Đảng, của đất nước; đồng thời phải phù hợp đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức, của từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể, dựa trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của thanh niên. Tổ chức Đoàn, Hội phải vừa là người lãnh đạo phong trào thanh niên, vừa là người bạn đồng hành của thanh niên, tạo ra các phong trào, các hoạt động có tính chất hướng dẫn, phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ.
[1]Tổng Cục Thống kê (2019), Thông cáo báo chí Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.
[2]Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
ThuNH