Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, theo Bộ Công an, đã có hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch Covid-19[1]. Chủ yếu các bài này xuyên tạc về công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Chúng cho rằng: “Tư bản “giãy chết” có quỹ an sinh xã hội để lo cho dân. Chủ nghĩa xã hội có quỹ “ăn xin xã hội” gửi ngân hàng lấy lãi”[2]. Chúng ca ngợi vai trò “tương thân, tương ái” của các tổ chức “xã hội dân sự” trá hình trong việc làm từ thiện như phát miễn phí hoặc bán giá thấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... đối với những người có hoàn cảnh khó khăn[3]. Qua đó, chúng kích động để gây chia rẽ giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Mục đích chính của các đối tượng là mượn vấn đề an sinh xã hội trong phòng, chống Covid - 19 để gây rối loạn, bất ổnxã hội, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Internet.
Thực chất ở Việt Nam, từ ngày xây dựng chế độ xã hội mới (1945) đến nay, vấn đề an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Một mặt, do mục tiêu của nước ta là xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt khác, xuất phát từ việc Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ hậu quả của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh … Trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[4].
Trước tình hình dịch bệnh đợt thứ tư diễn ra phức tạp, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Ngay từ ngày đầu tiên của đợt dịch thứ 4 (27/4), Thường trực Ban Bí thư đã ra Công điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nội dung Công điện nhằm tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp đó, ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung xuyên suốt của Kết luận là “chống dịch như chống giặc”, kiên định thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế và luôn chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid - 19, với nội dung chủ yếu yêu cầu các cấp từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Internet.
Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư, Nhà nước đã ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam. Đây là quỹ nhân ái kết nối giá trị truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt. Với sáng kiến Quỹ vắc xin phòng Covid-19, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP quy định về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết quy định trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ các chi phí đưa đón đến cơ sở cách ly, khám, chữa bệnh, chi phí sinh hoạt ăn uống hằng ngày và chi phí trang thiết bị y tế sử dụng trong cách ly.
Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, ngày 1/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kinh phí dành cho gói hỗ trợ này trị giá 26.000 tỷ đồng. Nghị quyết đã chỉ ra 12 nhóm đối tượng người lao động và sử dụng lao động được hưởng trợ cấp do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Trong đó có nhóm hỗ trợ cho người bị F0, F1 và trẻ em liên quan đến Covid-19.
Ngoài ra, Chính phủ còn ra Nghị quyết 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho khách hàng sử dụng điện; điều chỉnh giảm giá cước viễn thông, giá nước sạch sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Bên cạnh đó, Nhà nước đã thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, tích cực đàm phán với các nước nhằm chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc-xin trong nước và đề nghị WHO hỗ trợ, ưu tiên cho Việt Nam sớm nhận được vắc-xin từ chương trình COVAX. Tất cả cố gắng đó đều nhằm mục tiêu tiêm chủng vắc-xin mở rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.
Chính quyền TP Hồ Chí Minh tặng quà cho các hộ dân trong khu cách ly. Ảnh: Internet.
Những ngày giãn cách xã hội vừa qua, chính quyền các địa phương đều quyết tâm vừa dập dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Chẳng hạn, Thành phố Hồ Chí Minh lập đường dây nóng để người dân bày tỏ tâm tư, ra Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19. Nghị quyết chú trọng tới các đối tượng yếu thế là hộ nghèo, cận nghèo, người dân trong khu vực phong tỏa, khu nhà trọ, người lang thang cơ nhỡ, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận, phường ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội đã tổ chức chăm lo hỗ trợ về tiền mặt, nhu yếu phẩm thiết yếu (mì gói, gạo, trứng, rau củ quả…); phối hợp tổ chức các chương trình thiện nguyện: “bếp ăn yêu thương”, “siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”, “ATM oxy”… nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không phải như lời rêu rao, xuyên tạc của các thế lực thù địch mà bài viết đã nêu ở phần trên.
Hà Thanh