Xu hướng giảm sinh ở đồng bằng sông Cửu Long
Mức sinh là một trong những yếu tố quyết định đến biến đổi quy mô và cơ cấu dân số và nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, mức sinh đang có xu hướng giảm xuống một cách nhanh chóng trên toàn cầu. Từ năm 1990 đến 2019, tỷ suất sinh toàn cầu giảm từ 3,2 xuống 2,5 trẻ đẻ sống trên một phụ nữ. Mức sinh giảm dao động từ 1,9 ca sinh trên một phụ nữ ở Trung và Nam Á xuống 0,1 ca sinh trên một phụ nữ ở Úc và New Zealand, Châu Âu và Bắc Mỹ. Tương tự, mức sinh ở Việt Nam cũng giảm nhanh trong giai đoạn 2001 - 2019 từ 2,25 con/phụ nữ năm 2001 xuống 1,99 con/phụ nữ năm 2011; giai đoạn 2012 - 2019, đạt bằng hoặc dưới mức sinh thay thế (dao động từ 2,04 đến 2,10 con/phụ nữ). Vì vậy, từ yêu cầu thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/04/2020 về "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng có mức sinh thấp và có xu hướng giảm nhanh trong giai đoạn 2009-2019. Do đó,mức sinh ở ĐBSCL đang trở thành vấn đề cần được quan tâm một cách sâu sắc, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến biến đổi quy mô và cơ cấu dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất “chín rồng”. Già hóa dân số ở ĐBSCL là kết quả giảm sinh của vùng trong thời gian qua. Tại cuộc họp đánh giá 3 năm thực hiện Nghị 120/NQ-CP về “phát triển bền vững ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý “8G” và một trong những “G”, đó là “già hóa dân số”. Vì thế, nhận diện thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến biến đổi mức sinh ở ĐBSCL là cần thiết, đóng góp tích cực vào hoạch định và thực thi chính sách dân số gắn với phát triển bền vững của vùng.
Thực trạng biến đổi mức sinh ở đồng bằng sông Cửu Long
Biến đổi tỷ suất sinh thô: Trong giai đoạn 2009-2019, tỷ suất sinh thô ở ĐBSCL đã giảm từ 16‰ năm 2009 xuống còn 12,3‰. Tỷ suất này ở ĐBSCL giảm nhanh hơn so với cả nước và cũng là một trong những vùngcó tỷ suất sinh thô thấp nhất của nước.
Bảng 1: Tỷ suất sinh thô theo vùng kinh tế - xã hội năm 2009, 2019 và 2020 (‰)
Vùng kinh tế - xã hội |
2009 |
2019 |
2020 |
CẢ NƯỚC |
17.6 |
16.3 |
16.3 |
Đồng bằng sông Hồng |
17.6 |
17.9 |
17.2 |
Trung du và miền núi phía Bắc |
19.6 |
17.5 |
17.7 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung |
16.9 |
17.0 |
16.9 |
Tây Nguyên |
21.9 |
18.8 |
18.8 |
Đông Nam Bộ |
17.8 |
15.2 |
15.1 |
Đồng bằng sông Cửu Long |
16.0 |
12.7 |
12.8 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2021
Biến đổi tổng tỷ suất sinh
Tổng tỷ suất sinh cho biết số con/phụ nữ trong một năm nhất định. Mức sinh ở ĐBSCL thấp hơn so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và giảm từ 1,84 con/phụ nữ năm 2009 xuống còn 1,8 con/phụ nữ năm 2019 và tăng lên 1,82 con/phụ nữ năm 2020. Vớimức sinh này, xét theo vùng kinh tế - xã hội, ĐBSCL là một trong những vùng có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước.
Những yếu tố ảnh hưởng đến biến đổi mức sinh ở ĐBSCL
Thứ nhất, sự thành công của thực hiện chính sách dân số
Sau gần 30 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNTW, ĐBSCL đã có nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở ĐBSCL đã được kiểm soát, là một trong những vùng có mức độ tăng tự nhiên thấp so với trung bình của cả nước (6,03‰so với 10,2‰ của cả nước vào năm 2020) và cũng là vùng có mức tăng tự nhiên thấp nhất trong cả nước. Kết quả này phản ánh sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị các địa phương vùng ĐBSCL trong thực hiện thành công chính sách dân số và nhận thức của người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng lên.
Thứ hai, yếu tố hôn nhân và gia đình
Ở ĐBSCL tỷ lệ người chưa kết hôn, độ tuổi kết hôn ngày càng tăng lên và phụ nữ sinh con ngày càng ít hơn. Theo Tổng Cục thống kê, tuổi trung bình kết hôn lần đầu ở ĐBSCL tăng từ 24,5 tuổi năm 2010 lên 25,5 tuổi vào năm 2019. Trong đó, tuổi kết hôn của phụ nữ tăng từ 22,6 tuổi năm 2009 lên 23,1 tuổi năm 2019 và 23,8 tuổi năm 2020.
Thứ ba, hành vi sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, sử dụng biện pháp tránh thai là một trong những yếu tố tác động đến giảm sinh. Kết quả điều tra biến động dân số 1/4/2020, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49) ở ĐBSCL sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 75,0%, cao hơn trung bình của cả nước (74,7%) và là một trong những vùng có tỷ lệ phụ nữ (15-49 tuổi) đang có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai cao nhất.
Thứ tư, những tác động từ phát triển kinh tế
Sự phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển xã hội nói chung, cho đời sống của người dân nói riêng. Hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục cũng được chú trọng đầu tư đã góp phần tăng cơ hội học tập nâng cao trình độ, tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách đầy đủ của phụ nữ ở ĐBSCL và đây là điểm quan trọng tác động đến giảm sinh của vùng. Bên cạnh đó, di cư trong độ tuổi sinh đẻ cao cũng đã ảnh hưởng đến mức sinh của vùng trong 10 năm qua. Năm 2019, toàn vùng có 724,8 nghìn người di cư, tăng 11,8 nghìn người so với năm 2009 và tỷ trọng lao động di cư tập trung chủ yếu ở độ tuổi sinh đẻ.
Di cư trong độ tuổi sinh đẻ cũng đã ảnh hưởng đến mức sinh của vùng ĐBSCL
Một số hàm ý chính sách
Mức sinh của ĐBSCL có xu hướng giảm nhanh trong một thập niên vừa qua và cũng là một trong những vùng kinh tế - xã hội có mức sinh thấp nhất của cả nước. Sự biến đổi mức sinh này đã tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi cấu trúc tuổi ở ĐBSCL trong những năm qua, giảm tỷ trọng trẻ em, tăng tỷ trọng người cao tuổi. Biến đổi mức sinh theo xu hướng giảm đã làm thay đổi rất lớn đối với mục tiêu phát triển của vùng, vì vậy để “xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển… bảo đảm tăng dân số hợp lý” theo tinh thần Đại hội lần thứXIII của Đảng thì khu vực ĐBSCL cần quan tâm đến một số gợi ý chính sách sau:
Thứ nhất, tăng cường truyền thông xây dựng chuẩn mực gia đình có 2 con: Để duy trì bền vững mức sinh thì quy mô gia đình 2 con phải trở thành chuẩn mực toàn xã hội và cần có các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp lý và chính sách thích hợp để các cặp vợ chồng thực hiện được mong muốn này. ĐBSCL cần triển khai các chương trình truyền thông vận động thích hợp và hiệu quả, để mô hình gia đình 2 con dần trở thành chuẩn mực toàn xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế và di cư diễn ra mạnh mẽ.
Thứ hai, giải quyết các điểm nghẽn ở đồng bằng sông Cửu Long: Di cư là một trong những nguyên nhân làm cho mức sinh giảm và đẩy nhanh quá trình già hóa dân số ở ĐBSCL và đồng thời phản ánh tình trạng hạn chế của phát triển kinh tế vùng. Chính phủ tạo điều kiện phát triển, giải quyết các điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng đáp ứng phát triển bền vững của các tỉnh ĐBSCL bảo đảm sinh kế cho người dân trong điều kiện hạn mặn, biến đổi khí hậu; tăng cường xây dựng nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nhằm hạn chế tình trạng di cư.
Thứ ba, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả chính sách dân số theo quyết định 588/QĐ-TTg: Xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn của thanh niên, đặc biệt với nữ thanh niên ở ĐBSCL là một trong những yếu tố khiến cho mức sinh giảm. Do đó, các cấp chính quyền cần phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sinh con trước 35 tuổi.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp quốc tế trong thực hiện chính sách dân số: Đây là biện pháp quan trọng để Nhà nước có nhiều kinh nghiệm xây dựng chính sách dân số trong điều kiện chuyển cấu trúc dân số theo hướng già hóa ở ĐBSCL. Để làm được điều này, phải tăng cường học tập và tổng kết kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai thành công chính sách dân số bảo đảm mức sinh hợp lý; tích cực tham gia các hội nghị quốc tế về thực hiện mục tiêu dân số.
Hà Linh - Linh Nhân