Trong hơn 90 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước ta gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ, trong đó thành tựu về thực hiện bình đẳng giới. Chị em phụ nữ trên khắp mọi miền Tổ quốc được tạo điều kiện để phát huy năng lực và sở trường của mình, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển đất nước.
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong những mục tiêu xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, Đảng đã chỉ rõ “nam - nữ bình quyền là 1 trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam”[1]. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 10/01/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân là yêu cầu, đòi hỏi lớn, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 7/6/1984 về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ.
Thời kỳ Đổi mới, Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm bình đẳng giới bằng những Nghị quyết và Chỉ thị về công tác phụ nữ, như: Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thông báo kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Gần đây, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật, các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”[2]; đồng thời “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”[3].
Từ các quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và thực hiện “nam nữ bình quyền” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta được thể hiện nhất quán từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Điều 26 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”.
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế và các chương trình Nghị sự lớn về quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, như Công ước CEDAW (công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc… và đã nội luật hoá vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia, ban hành các chính sách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Có thể kể đến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục, Luật khám bệnh, chữa bệnh…
Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được xây dựng và thực hiện đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 xác định mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Những cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới đã tạo cơ hội, điều kiện để phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc đều có thể đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế cho một tương lai Việt Nam thịnh vượng.
Trong lĩnh vực chính trị, sự tham gia và vai trò của phụ nữ ngày càng tăng. Hiện nay, tỷ lệ nữ ủy viên BCH Đảng bộ cấp tỉnh toàn quốc đạt 16%; 61/63 tỉnh/thành phố có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; 35 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên từ 15% trở lên (tăng 5 tỉnh so với khoá XII, trong đó cao nhất là Tuyên Quang với tỷ lệ nữ cấp ủy viên là 29,2%[4]. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí cao trong khối Đảng: 19 nữ uỷ viên Trung ương Đảng (18 uỷ viên chính thức, 01 uỷ viên dự khuyết), 01 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 02 nữ Bí thư Trung ương Đảng.
Tại Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, số lượng đại biểu nữ tăng trong nhiệm kỳ mới nhất. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là 30,26%, tăng 3,54% so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XIV là 26,72%). Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng ghi nhận sự tăng lên của các nữ đại biểu: Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5% của nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện đạt 29,08% (so với 27,9% của nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã đạt 28,98% (so với 26,59% của nhiệm kỳ trước)[5].
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định bản lĩnh và vị thế của giới mình. Số doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo, điều hành, quản lý thành công ngày càng tăng một cách ấn tượng, thể hiện sự phấn đấu, trưởng thành của phụ nữ, đồng thời khẳng định bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.
Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 263.444 trên tổng số 883.000 các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay[6]. Các tập đoàn lớn nổi tiếng và thành công của Việt Nam như: Vietjet Air, Vinamilk, TH True Milk… đều do các “bóng hồng” quản lý và điều hành. Chúng ta có thể kể đến các tấm gương tiêu biểu như: Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ Vietjet Air và Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank); Mai Kiều Liên (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk); Thái Hương (Chủ tịch HĐ Chiến lược Tập đoàn TH, Phó Chủ tịch, TGĐ Ngân hàng Bắc Á); Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Trần Thị Lệ (TGĐ điều hành Nutifood)… Đây là những tấm gương về các doanh nhân nữ thành đạt trên thương trường và tạo lập được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ trong nước, trong khu vực mà đã vươn ra tầm thế giới.
Hầu hết các doanh nghiệp này đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, tạo công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập, mức sống cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, đồng thời, tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội. Nhiều nữ doanh nhân đã lọt vào danh sách Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á, Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu… Hàng trăm nữ doanh nhân được trao tặng Cúp Bông hồng vàng - danh hiệu nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Như vậy, có thể khẳng định, những cam kết chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ là vô cùng mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã và đang không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực, từng bước đưa phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ mọi thành quả của xã hội. Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống kiên trung, bất khuất của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, đóng góp trí tuệ và sức lực vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Thành tựu về bình đẳng giới mà Việt Nam đạt được và quốc tế ghi nhận là minh chứng rõ ràng nhất cho những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng cũng như khẳng định sự vươn lên không ngừng của phụ nữ cho một tương lai Việt Nam thịnh vượng.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.2, tr.95.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.169.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.271.
[4] Xem: https://tcnn.vn/news/detail/49014/Ty-le-nu-uy-vien-Ban-Chap-hanh-Dang-bo-cap-tinh-trung-binh-toan-quoc-dat-16.html
[5] Hội đồng Bầu cử quốc gia, Báo cáo tổng kết cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Số 783/BC-HĐBCQG ngày 14/7/2021)
[6] Xem: http://vawe.org.vn/doanh-nghiep-nu-lam-chu-duoi-tac-dong-cua-dich-covid19.html#:~:text=Phó%20Tổng%20thư%20ký%20VCCI%20d%C3%AD%20dỏm%2C%20chữ%20“phái%20yếu,nhất%20từ%20trước%20đến%20nay
Phùng Thị An Na