1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta trở thành một đảng cách mạng chân chính. Người đã nhiều lần khẳng định: Đảng ta “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, mà là “một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước”. Đảng ta là một tập hợp của rất nhiều cá nhân đảng viên, Đảng mạnh là do từng chi bộ, đảng viên mạnh. Do vậy, không có con đường nào khác là phải giáo dục, rèn luyện để nâng cao chất lượng đảng viên một cách toàn diện.
Bổn phận hay trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là những việc phải làm, thuộc về nhiệm vụ của một người khi tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải luôn nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và nhân dân; ra sức làm tròn những công việc mà Đảng giao phó, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục tư cách, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Từ sớm, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927), Người đã đề cập trước hết đến “Tư cách một người cách mệnh”. Đặc biệt, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người đã dành riêng mục III, để bàn về tư cách và đạo đức cách mạng. Có thể khái quát tư tưởng của Người về trách nhiệm, phận sự của đảng viên, cán bộ được thể hiện ở những điểm chính như sau:
Thứ nhất, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Bất cứ lúc nào, việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng lên trước lợi ích của cá nhân. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng, là “tính đảng”. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng hết sức lưu ý đến những lợi ích cá nhân chính đáng cần phải khuyến khích, động viên. Đó là những lợi ích cá nhân phù hợp với lợi ích của Đảng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ thực hiện như thế.
Thứ hai, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, bản chất đạo đức cách mạng là đạo đức hành động vì nước, vì dân. Nó đòi hỏi phải kiên quyết đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Đạo đức cách mạng là “cái gốc” của người cách mạng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức cách mạng luôn thống nhất với “tính đảng”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên rèn luyện tính đảng, thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Nâng cao đạo đức cách mạng và tính đảng chính là “bồi bổ” cho “cái chất” của người cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.
Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt”, nhờ vậy Đảng có sức mạnh tập trung, thống nhất. Đảng không bắt buộc ai phải vào Đảng, nếu sợ hy sinh cho Đảng, sợ kỷ luật Đảng thì đừng vào Đảng hay là khoan hãy vào. Đã tự nguyện làm đơn xin vào Đảng, hăng hái phấn đấu trở thành người đảng viên thì phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Để giữ kỷ luật nghiêm minh trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”.
Thứ tư, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Mục đích tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên tiến bộ; để chữa các “căn bệnh” trong Đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây cũng là cách tốt nhất để thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Vì vậy, phải “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”.
2. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh toàn diện, trong đó “đức là gốc”. Nhìn chung, đa số cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, qua thực tế,vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng “nhạt Đảng, xa rời chính trị”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là một nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực trạng trên đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới đối với Đảng và cán bộ, đảng viên.
Khai giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, 7/2020.
Ảnh Tư liệu.
Để nâng cao bổn phận, trách nhiệm và đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay, cần phải thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu thực sự “đủ đức, đủ tài”. Đây là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, hiệu quả; bởi lẽ, đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ chính là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế, xác định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, thường xuyên rà soát, xây dựng các quy định về chuẩn mực đạo đức theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ đánh giá kết quả; làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trong công tác và sinh hoạt. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Bốn là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với trách nhiệm nêu gương tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ trách nhiệm và bổn phận của mình, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Sáu là, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Đây là quá trình đấu tranh gian khổ nhằm khắc phục chủ nghĩa cá nhân và vượt lên chính mình. Đồng thời, đó còn là sự thể hiện danh dự, lương tâm, trách nhiệm và trí tuệ của người cách mạng chân chính.
Bảy là, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên. Thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Thuỳ Dung