Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định về bình đẳng giới
Một trong những thành tựu quan trọng về bình đẳng giới của Việt Nam là đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử theo tinh thần Công ước CEDAW và quy định của Luật bình đẳng giới năm 2006, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trong khung chính sách pháp luật và bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới tương đối hoàn thiện và đầy đủ, chúng ta vẫn có thể nhận ra một số hạn chế và khoảng trống trong chính sách, pháp luật về bình đẳng giới hiện nay.
Một là, quy định đối với quyền của công dân nam, nữ trong một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý hành chính còn chưa thống nhất, chưa quán triệt đầy đủ nguyên tắc bình đẳng nam, nữ, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Chẳng hạn, Điều 11 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng một vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức”, song trong chính sách quy hoạchvà bổ nhiệm lần đầu giữa cán bộ nam và nữ vẫn có sự khác nhau về độ tuổi; quy định tuổi nghỉ hưu đối với nữ cũng khác với nam... Ngoài ra, một số chính sách xác định nội dung liên quan đến bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới còn có những điểm chưa đầy đủ. Ví dụ, quy định việc nghỉ sinh, chăm sóc con sau sinh hầu hết thuộc về người phụ nữ, nam giới chỉ có điều kiện tham gia với thời gian rất ngắn (Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nam khi vợ sinh con sẽ được nghỉ 05 ngày (nếu sinh thường) đến 07 ngày (nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi), 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày; 14 ngày nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật).
Hai là, một số luật và chính sách liên quan đến công tác cán bộ thiếu “nhạy cảm giới”, đang gây ra những khó khăn, bất lợi cho nữ giới trong tiếp cận các cơ hội lãnh đạo, quản lý.
Về quy hoạch cán bộ, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW năm 2022 của Ban Tổ chức Trung ương Hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ quy định khá bình đẳng giữa nam và nữ, tuy nhiên, có những điều khoản còn mang tính chung chung, khó vận dụng. Chẳng hạn như, “Điều 9 - Về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở cấp xã và tương đương, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương quy định cụ thể để thực hiện thống nhất cho phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị”. Những quy định không định lượng cụ thể về chỉ tiêu sẽ rất khó thực hiện, vì nó phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm chính trị của các cấp uỷ đảng và những người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ ở địa phương, cơ quan/tổ chức; hay việc quy định cán bộ đưa vào quy hoạch phải đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kì trở lên, ít nhất cũng phải đủ một nhiệm kỳ là một cản trở đối với cán bộ nữ. Với tuổi nghỉ hưu còn có sự chênh lệch như hiện nay, nữ giới sẽ bị mất cơ hội thăng tiến ở các vị trí lãnh đạo quản lý so với nam giới. Hơn nữa, mặc dù đã có quy định về tỷ lệ nữ trong quy hoạch, song chưa có một văn bản nào quy định các chế tài đối với những cơ quan, tổ chức không có đủ nguồn nữ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chúng ta chưa làm tốt chính sách hỗ trợ cho nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Khoản 4, Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”. Theo đó, Điều 18 Nghị định 48/2009/NĐ-CP giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi, cụ thể: “1. Quy định các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nữ cán bộ, công chức, viên chức đang nuôi con nhỏ; 2. Quy định hỗ trợ bằng tiền; tạo điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non khi nữ cán bộ, công chức, viên chức mang theo con đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng”. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Nội vụ về tổ chức thực hiện, do vậy, hầu hết các địa phương khi xây dựng quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không đề cập đến nội dung trên, đã hạn chế đáng kể cơ hội học tập và thăng tiến của nữ giới.
Về bổ nhiệm cán bộ, hiện nay, các tiêu chuẩn cụ thể cho các vị trí lãnh đạo, quản lý là giống nhau cho cả cán bộ nữ và cán bộ nam nhưng cơ hội được bổ nhiệm của cán bộ nữ bị hạn chế hơn cán bộ nam do sự chênh lệnh về độ tuổi quy hoạch và bổ nhiệm lần đầu giữa nam và nữ. Chúng ta chưa thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các văn bản hướng dẫn về bổ nhiệm cán bộ. Đó là việc quy định lựa chọn ứng cử viên nữ trong trường hợp cả nam và nữ có điều kiện, tiêu chuẩn như nhau. Chưa xác định các giải pháp cụ thể để có thể đạt chỉ tiêu đề ra trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc lồng ghép giới.
Ba là, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thực thi. Luật Bình đẳng giới ban hành năm 2006 với rất nhiều quy định bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các giới, song phải đến năm 2009, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 48/2009/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã lồng ghép quy định riêng đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số: “Cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số, ngoài những quyền lợi được hưởng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc”, tuy nhiên, cho đến nay, các địa phương vẫn đang lúng túng trong khâu triển khai vì chưa có đủ văn bản hướng dẫn thi hành.
Bốn là, hệ thống pháp luật hiện hành nhìn chung còn thiếu quy định chế tài xử lý các hành vi vi phạm về bình đẳng giới, một số văn bản tuy có quy định nhưng chưa đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Ví dụ, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về hành vi quấy rối tình dục và các chế tài đi kèm trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới quyền bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của các giới còn bị xâm phạm.
Năm là, công tác lồng ghép giới trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật còn chưa thực sự hiệu quả. Trong thời gian qua, hầu hết các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã xem xét vấn đề lồng ghép giới nhưng nội dung lồng ghép giới trong các dự thảo chưa được quan tâm thỏa đáng; quá trình soạn thảo chưa thực sự tuân thủ nghiêm về quy trình, thủ tục phân tích giới, lồng ghép giới một cách sâu sắc;…
Sáu là, khó khăn từ nguồn lực con người. Việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và sắp xếp tổ chức, bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giớiở các bộ/ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu cấp thiết của công tác và cuộc sống. Cho đến nay, bộ máy Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành còn lúng túng về phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn mỏng, chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Bảy là, Việt Nam đang thiếu số liệu tách theo giới để theo dõi, giám sát, đánh giá mức độ bình đẳng giới và tiến bộ xã hội. Báo cáo của Chính phủ đánh giá sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020, trong tổng số 22 chỉ tiêu đề ra, chỉ có 13 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt (59%), còn lại 09 chỉ tiêu chưa đạt hoặc không thống kê được (41%). Không có dữ liệu đáng tin cậy, chúng ta không thể lên kế hoạch cho những giải pháp can thiệp cũng như sử dụng nguồn lực hạn chế của chúng ta một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới chưa đầy đủ, kịp thời, mức độ tin cậy chưa cao cũng là một hạn chế trong quá trình thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
Tám là, khó khăn về nguồn ngân sách. Quan điểm lồng ghép giới trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 là tiền đề quan trọng để đạt tới mục tiêu bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực của đất nước, trong Luật đã có quy định nguyên tắc bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới (Khoản 5 Điều 8) và căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm về bình đẳng giới (Khoản 1 Điều 41). Tuy nhiên, khá nhiều văn bản quy định về lập và phân bổ ngân sách của các bộ/ngành hoặc các địa phương không có yêu cầu về lồng ghép giới cũng như không có hướng dẫn về các khía cạnh giới cần được quan tâm trong quá trình thực thi các văn bản này.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trong thời gian tới, hướng tới bảo đảm bình đẳng giới trong luật pháp và trên thực tế, chúng ta cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, chuyển hóa các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới thành các kế hoạch, hành động cụ thể. Thúc đẩy việc thực hiện lồng ghép giới trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất về nguyên tắc bình đẳng giới bằng cách rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về bình đẳng giới nói chung, về chính sách cán bộ nữ nói riêng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê giới quốc gia phù hợp với các nghị quyết của Đảng, các luật hiện hành, các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, cần xây dựng các hướng dẫn kịp thời bảo đảm thực thi luật có hiệu quả và xây dựng cơ chế thanh tra liên ngành về bình đẳng giới.
Thứ tư, chuyên môn hóa bộ máy làm công tác bình đẳng giớivà vì sự tiến bộ của phụ nữ. Xây dựng kế hoạch tổng thể và các hoạt động cụ thể về nâng cao năng lực cho bộ máy làm công tác về bình đẳng giới, bao gồm nâng cao năng lực cán bộ và nâng cao năng lực tổ chức.
Thứ năm, chú trọng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực quốc tế cho các hoạt động về bình đẳng giới.
Phùng Thị An Na