Ở Việt Nam hiện nay, lao động di cư chiếm tỉ lệ khoảng 70% lực lượng lao động tại các thành phố, các khu công nghiệp lớn[1]. Với kỹ năng và khả năng lao động của mình, lao động di cư không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển ở địa phương, quốc gia nơi họ đến, mà quê hương của họ cũng được hưởng nhiều lợi ích như kinh tế, chính trị, văn hóa, trình độ, kinh nghiệm… trong quá trình di cư của họ. Mặc dù có những đóng góp lớn trong xã hội, nhưng thực tế cho thấy, hầu hết lao động di cư làm các công việc chân tay hoặc không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Theo thống kê, ở Việt Nam, có tới 78,8% lao động di cư từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Người lao động có trình độ sơ cấp chiếm 4,3%, trung cấp chiếm 3,9%, cao đẳng chỉ chiếm 3,3% và đại học chiếm 9,2% trong tổng số lao động di cư[2]. Điều đó dẫn tới việc họ chỉ có cơ hội tiếp cận các công việc tạm thời, thiếu ổn định, công việc nhiều rủi ro, nguy hiểm, độc hại, lương thấp, không bảo đảm an toàn lao động và chủ yếu trong khu vực phi chính thức.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, lao động di cư là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi do mất việc làm hoặc việc làm không ổn định vì áp dụng biện pháp kiểm soát dịch, hạn chế đi lại, đóng cửa các doanh nghiệp nơi người di cư làm việc, trong khi lao động di cư thiếu những ràng buộc chắc chắn trong hợp đồng lao động và tình trạng phân biệt đối xử với họ. Điều đó dẫn tới cuộc sống của họ đã khó khăn, nay lại khó khăn hơn. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, do bị mất việc hoặc nghỉ việc không lương trong đại dịch Covid-19, nên gần 60% lao động di cư phải tiết kiệm chi tiêu, gần 30% sử dụng tới các khoản tiết kiệm và 13% vay mượn sống qua ngày[3].
3,4 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói 6.600 tỷ đồng của Chính phủ. Ảnh: Internet.
Ngoài ra, những người lao động di cư thường sống trong các khu nhà chật chội, thiếu điều kiện vệ sinh môi trường, không đủ điều kiện giãn cách xã hội. Vì vậy, trong đại dịch họ là những đối tượng đầu tiên bị nhiễm bệnh. Theo nghiên cứu của OECD về tác động của đại dịch Covid-19 đối với lao động di cư và con cái của họ cho thấy, đối tượng này thường có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 cao hơn người bản địa ít nhất 2 lần và tỷ lệ tử vong của lao động di cư cũng cao hơn lao động bản địa.
Trong khi đó, lao động di cư thường không được hưởng, hoặc gặp nhiều khó khăn khi nhận hỗ trợ từ những chính sách liên quan đến dịch bệnh Covid-19 do vướng mắc về thủ tục, giấy tờ như: trợ cấp lương, trợ cấp thất nghiệp, hay các biện pháp an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; thậm chí, họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
Từ những khó khăn trong đại dịch Covid-19 đối với lao động di cư, nhiều người đã buộc phải hồi hương. Tuy nhiên, lựa chọn đó cũng không dễ do tình trạng giãn cách, đóng cửa biên giới, hay những quy định ngặt nghèo của các địa phương. Thực tế này đã khiến nhiều người phải trả chi phí cao, đưa hối lộ cho người có chức quyền để được về quê nhà. Một số khác lựa chọn con đường nguy hiểm để trốn về quê và chấp nhận bị bỏ rơi khi gặp khó khăn.
Sau đợt dịch lần thứ tư ở Việt Nam, số lượng lao động di cư trở về quê khá lớn, đặc biệt sau Tết Nguyên đán của Việt Nam, làm cho “cơn khát” người lao động tại các doanh nghiệp tại các thành phố càng thêm trầm trọng, trong khi người lao động về quê không có việc làm. Trước và sau Tết cũng có nhiều doanh nghiệp tìm cách “giữ chân” người lao động nhưng thiếu nguồn nhân lực vẫn diễn ra khá phổ biến.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất cao. Ảnh: Internet.
Từ đại dịch, vấn đề người lao động, đặc biệt lao động di cư cần được xác định rõ là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ. Theo đó, về cơ bản cần có chính sách riêng cho nhóm lao động này. Cụ thể:
Một là, giải quyết việc làm cho lao động di cư sau dịch bệnh. Cần thực hiện tốt chủ trương “Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức”[4]do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trước mắt, cần hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ lao động di cư quay trở lại thị trường lao động; có chính sách đào tạo nghề trung và ngắn hạn cho lao động di cư và lao động hồi hương để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động. Đây là những việc làm cấp thiết đối với lao động di cư nhằm thích ứng với tình hình của dịch bệnh Covid-19.
Hai là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư theo hướng bảo đảm trợ giúp cho các nhóm yếu thế. Theo điều tra của Oxfam, 99% lao động di cư trong khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội và 76,5% lao động di cư trong khu vực này không có bảo hiểm y tế. Do vậy, lao động di cư cần được bảo đảm quyền về an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội); quyền về tự do việc làm, lao động; quyền bảo đảm về sinh kế và thu nhập; quyền về nơi cư trú, nhà ở, tự do đi lại; quyền học tập; quyền tự do kinh doanh; quyền tiếp cận thông tin và thụ hưởng các giá trị văn hóa…
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của lao động di cư ở các khu nhà trọ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính quyền sở tại cần chủ động tuyên truyền, nhắc nhở nhóm lao động di cư tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm ngặt “5K + vaccine” để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hà Thanh