Những kết quả tích cực trong phát triển du lịch
Cao Bằng là điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và 27 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên bản sắc văn hóa rất phong phú. Xác định được tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra 3 nội dung đột phá chiến lược, trong đó nội dung đột phá thứ nhất là phát triển du lịch: "Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc".
Hội nghị công tác truyền thông, quảng bá công viên địa chất toàn cầu, phát triển du lịch bền vững
Để triển khai có hiệu quả chủ trương đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển du lịch; đồng thời liên kết phát triển du lịch với 6 tỉnh Việt Bắc, 8 tỉnh khu vực Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), tổ chức vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), thời gian vận hành thí điểm 01 năm. Tỉnh cũng tổ chức Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội; giới thiệu và tổ chức Lễ hội Đồi cỏ Ba Quáng, là điểm du lịch mới gây ấn tượng với du khách bởi cảnh hoang sơ, bãi cỏ cháy trải dài và không gian trong lành, thoáng mát.
Đồi cỏ cháy Ba Quáng, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã khai thác tuyến du lịch khám phá trải nghiệm động Ngườm Ngao nhánh Bản Thuôn. Khảo sát xây dựng các tuyến du lịch kết nối trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng: Tuyến Du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); Tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (gồm các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang). Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục xây dựng tuyến thứ 4 và tuyến thứ 5 kết nối giữa Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Bên cạnh việc khai thác các tuyến du lịch, tỉnh chú trọng phát triển du lịch cộng đồng với các giá trị văn hóa truyền thống như Làng rèn Pắc Rằng (người Nùng An); Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon (người Lô Lô); Làng đá cổ Khuổi Ky (người Tày)... Khai thác có hiệu quả Phố đi bộ Kim Đồng, trở thành điểm nhấn về văn hóa - du lịch của thành phố Cao Bằng, thu hút đông đảo du khách, là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa phục vụ cho bà con nhân dân trong toàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách thụ hưởng về văn hóa, tạo ra chỉ số hạnh phúc cho bà con nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng
Tỉnh chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 215 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 95 di tích được xếp hạng, cụ thể: 3 di tích quốc gia đặc biệt; 26 di tích xếp hạng quốc gia. Về di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh có khoảng 2000 di sản, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhờ đó, năm 2023, Cao Bằng đón gần 2 triệu lượt khách, tăng 72% so với năm 2022, doanh thu từ du lịch đạt 900 tỷ đồng.
Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch. Đổi mới tư duy về phát triển du lịch một cách nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động của các cấp, các ngành, ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển du lịch.
Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các Khu di tích Quốc gia đặc biệt, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng như một trụ cột để phát triển du lịch bền vững.
Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc; bổ sung chương trình đào tạo du lịch vào cơ sở đào tạo của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lich trên báo chí và mạng xã hội.
Hà Huyền Nga