Chat GPT là gì?
Chat GPT là một hệ thống tự động tạo chatbot AI do Open AI - một công ty nghiên cứu có trụ sở tại San Francisco chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng thực tế của nó, tạo ra để chăm sóc khách hàng trực tuyến vào cuối năm 2022. Chat GPT sử dụng Natural Language Processing - là một nhánh của ngôn ngữ học, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo liên quan đến sự tương tác giữa máy tính và ngôn ngữ tự nhiên của con người[1]. Nguồn dữ liệu của Chat GPT là sách giáo khoa, trang web và các bài báo khác nhau mà nó sử dụng để mô hình hóa ngôn ngữ của riêng mình để đáp ứng sự tương tác của con người. Chat GPT phục vụ mục đích tương tự như Google, nhưng cả hai nền tảng này là khác nhau. Chat GPT là bot AI vượt trội trong khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phản ứng giống con người. Ngược lại, Google là một công cụ tìm kiếm lấy thông tin liên quan đến truy vấn từ hàng tỷ trang web.
Với ưu thế vượt trội, từ khi ra mắt, Chat GPT đã thu hút được sự chú ý chưa từng có. Nó đã vượt mốc 1 triệu người dùng trong vòng một tuần kể từ khi phát hành vào tháng 11/2022.
Ưu điểm của Chat GPT
Tiết kiệm thời gian: Chat GPT có thể được truy cập từ bất cứ nơi nào có kết nối internet, trở thành một công cụ thuận tiện cho việc tra cứu, giải đáp thắc mắc. Nếu như trước đây việc tra cứu Google có thể trả lại hàng nghìn kết quả cho người dùng lựa chọn, thì nay Chat GPT có thể nhanh chóng tổng hợp, tạo các bản tóm tắt, báo cáo…, giải phóng thời gian quý báu cho mọi người tập trung vào các nhiệm vụ khác. Dựa trên nội dung lập trình sẵn, Chat GPT có thể sử dụng như trợ lý ảo đắc lực trong hỗ trợ, giải đáp khách hàng, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công.
Vấn đề học tập, nghiên cứu được cá nhân hóa: Chat GPT có thể thích ứng với mức độ hiểu biết của người hỏi và điều chỉnh độ khó của cuộc trò chuyện hoặc câu hỏi cho phù hợp. Điều này có thể làm cho trải nghiệm học tập được cá nhân hóa và hiệu quả hơn.
Cải thiện kỹ năng ngôn ngữ: Chat GPT có thể hỗ trợ việc học ngôn ngữ, cung cấp phản hồi ngay lập tức và sửa lỗi, giúp người hỏi cải thiện trình độ ngôn ngữ của mình.
Bên cạnh những ưu điểm, Chat GPT đang đặt ra những mối lo ngại đối với nhiều lĩnh vực.
Các lo ngại đặt ra trong sử dụng Chat GPT
Định kiến và tính chính xác: Như đã đề cập, nguồn dữ liệu của Chat GPT sử dụng là sách giáo khoa, các bài báo, tạp chí và nguồn dữ liệu khác trên Internet để mô hình hóa ngôn ngữ của riêng mình, đáp ứng với sự tương tác của con người. Vì vậy, độ chính xác trong các câu trả lời của Chat GPT phụ thuộc vào độ chính xác, toàn diện của nguồn dữ liệu. Trong khi đó, dữ liệu, thông tin trên Internet rất đa dạng, nhiều chiều, thậm chí là sai lệch, phiến diện. Các đối tượng thù địch có thể lợi dụng tạo ra các bài viết, bản tin, video, clip đăng tải hàng ngày, hàng giờ trên Internet - sẽ bổ sung nguồn dữ liệu cho chính Chat GPT. Theo thống kê mới nhất, phần lớn (62,52%) khách truy cập trang web của OpenAI ở độ tuổi từ 18 đến 34 và 65,68% là nam so với 34,32% là nữ.[2]Sẽ rất nguy hiểm, nếu người sử dụng đặc biệt là học sinh, sinh viên nhanh chóng tin vào các câu trả lời mà Chat GPT mà thiếu sự đối chiếu, kiểm chứng.
Nguy cơ an ninh mạng: Mặc dù Chat GPT chưa được sử dụng chính thức ở Việt Nam,nhưng do tâm lý hiếu kỳ nhiều người dùng ở Việt Nam đã tìm các cách thức khác nhau để trải nghiệm. Tuy nhiên, việc cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh thư, tài khoản ngân hàng… khi đăng nhập chứa đựng nhiều rủi ro đặc biệt khi xuất hiện nhiều hệ thống chatbot giả mạo. Thông tin của người dùng trở thành câu trả lời cho câu hỏi của người khác, từ đó có thể bị sử dụng vào các mục đích xấu. Bên cạnh đó, việc Chat GPT hỗ trợ việc viết code nhanh chóng sẽ là công cụ đắc lực cho các đối tượng tạo ra các phần mềm, website giả mạo lừa đảo người dùng ít kinh nghiệm.
Thách thức đối với giáo dục và nghiên cứu khoa học:
Câu chuyện một sinh viên trường Đại học Nhân văn quốc gia Nga (RGGU) sử dụng Chat GPT để hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp chỉ trong 23 giờ đồng hồ thay vì mất hàng tháng như các sinh viên khác và bảo vệ luận văn thành công, được hội đồng nhận định “đạt yêu cầu” khi chương trình chống đạo văn xác nhận tính nguyên bản đến 82%. Sự việc này đã gây tranh cãi trên các diễn đàn về vấn đề đạo văn, tính liêm chính trong khoa học. Thậm chí, trong trường học, giáo viên cũng khó có thể xác định học sinh có sử dụng Chat GPT trong hỗ trợ giải bài tập về nhà hay không. Trước rủi ro tiềm tàng liên quan đến công nghệ AI nói chung và Chat GPT nói riêng, Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét dự thảo quy định trong quản lý lĩnh vực này[3].
Ngoài ra, Chat GPT cũng giống như Google là một công cụ rất tiện ích, hỗ trợ đắc lực trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tư duy phản biện, tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề của người dùng như học sinh, sinh viên, thậm chí cả người dạy.
Tóm lại, Chat GPT mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điều quan trọng, người dùng phải trang bị kỹ năng cần thiết và sử dụng công cụ này một cách thận trọng. Quan trọng hơn nữa, cơ quan quản lý phải sớm có những phản ứng chính sách liên quan đến công nghệ AI nhằm phát huy mặt tích cực và giảm thiểu các mặt trái mà công nghệ này mang lại.
Bùi Thị Hồng Hà