Câu hỏi: Ngày 01/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Tình hình kinh tế xã hội năm 2024; Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Xin cho biết những chỉ đạo của Tổng Bí thư về giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế
Trả lời:
Ngày 01/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Tình hình kinh tế xã hội năm 2024; Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tổng Bí thư khẳng định: các báo cáo của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhất là kết quả xây dựng pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để phát triển đất nước; đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt, triển khai các nội dung Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã đề cập tương đối cụ thể từng vấn đề và những việc cần phải làm trong thời gian tới tại ngành, địa phương, đơn vị.
Về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư chỉ đạo:
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính... Trước mắt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này, đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm được.
Để đạt mục tiêu này, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua bước đầu có sự đổi mới tư duy sâu sắc trong xây dựng pháp luật, với 7 luật, 4 nghị quyết được thông qua, trong đó có 1 luật sửa 4 luật, 1 luật sửa 9 luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, phía trước còn rất nhiều việc phải làm để khơi thông "điểm nghẽn của điểm nghẽn này". Cần nhận thức rõ, đổi mới thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc, tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…
Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội đã khá đầy đủ. Bây giờ là lúc chúng ta phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước.
Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Tôi cho rằng ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước thì rất cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân, phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật chất và tinh thần trong nhân dân và người dân phải được hưởng thụ, cảm nhận những thành quả đó thì mọi người sẽ chung sức đồng lòng cùng thực hiện.
Phát triển kinh tế cần gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát... thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
(Trích: Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Tình hình kinh tế xã hội năm 2024; Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, https://special.nhandan.vn).
NĐT