Cách mạng Việt Nam phải đương đầu với những thế lực thực dân, đế quốc hàng đầu: thực dân Pháp, phát xít Nhật Bản và đặc biệt là đế quốc Mỹ. Tương quan lực lượng trên hầu hết các phương diện (vật chất - kỹ thuật, trang bị, vũ khí chiến tranh, quân số, khả năng cơ động…) đều nghiêng về phía kẻ xâm lược, bởi vậy tất cả các chiến lược gia và các đội quân viễn chinh của họ đều tự tin “bất khả chiến bại”. Bạn bè quốc tế của chúng ta, với tất cả thiện chí và lòng mến mộ, đã nhiều lần lo âu khi thấy Việt Nam phải chấp nhận cuộc chiến không cân sức!
Hình ảnh các máy bay B52 của Mỹ tham gia trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Trong những hoàn cảnh rất bất lợi đó, quân và dân Việt Nam đã phát huy trí tuệ đánh giặc giữ nước của nghìn năm lịch sử và kết hợp với khoa học, nghệ thuật chiến tranh hiện đại, sáng tạo nên lý luận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Tất cả các nguồn lực vật chất và tinh thần; mọi lực lượng dân sự và vũ trang vừa sản xuất vừa chiến đấu; nhân dân từ trẻ đến già thuộc mọi dân tộc, tầng lớp, vùng miền “tay súng, tay cầy”; sức mạnh quốc gia và sức mạnh quốc tế… đều được huy động vào phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo ra sức mạnh tổng hợp Việt Nam luôn luôn lớn hơn sức mạnh của quân xâm lược trên chiến trường.
Sức mạnh to lớn này được sử dụng trong thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp có hiệu quả kinh tế với quốc phòng; kinh tế, quốc phòng với đối ngoại… đã tạo ra thế và lực cho Việt Nam đánh chắc, tiến chắc, giành thắng lợi từng phần, tiến tới thắng lợi hoàn toàn như lịch sử đã chứng minh. Sáng tạo quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã được diễn đạt thông qua công thức biểu trưng, mà mới nghe, tưởng như nằm ngoài các quy luật thép của mọi cuộc chiến tranh: lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh!
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ảnh: Tư liệu
Mặc dù thời gian đã để lại khoảng cách gần 70 năm từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); cũng đã 47 năm từ Hiệp định Paris buộc “Mỹ cút” (1-1973) và 45 năm kể từ Đại thắng 30 tháng 4 năm 1975 làm “Ngụy nhào” với biết bao huyền thoại về sức mạnh Việt Nam, cho đến nay quân và dân Việt Nam vẫn là lực lượng duy nhất trên thế giới dám đánh và biết đánh thắng quân đội và sức mạnh của các thế lực thực dân, đế quốc đầu sỏ, nhất là quân đội và sức mạnh đế quốc Mỹ trên chiến trường.
Đại tướng Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời chiến tranh Việt Nam đã xót xa tổng kết: “chúng tôi đã sai lầm, sai lầm nghiêm trọng”. Họ sai lầm vì không hiểu được khoa học và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của cộng sản nên đã chịu thất bại hoàn toàn.
Lực lượng giải phóng tiến vào Sài Gòn mang theo cờ và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975. Ảnh: Phóng viên quốc tế Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS.
Khoa họcvà nghệ thuật quân sự hiện đại chắc chắn phải dành cho Việt Nam một chỗ đứng xứng đáng, không chỉ vì kỳ tích đã lập nên mà còn vì trí tuệ và kinh nghiệm Việt Nam vẫn đầy nguyên giá trị.
Chưa bao giờ các quốc gia dân tộc lại phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình trong so sánh lực lượng bất cân xứng vô cùng lợi hại như trong thế giới ngày nay. Một mình siêu cường toàn cầu có ngân sách quân sự hàng năm ngang ngửa với cả thế giới còn lại cộng lại; là đế chế duy nhất có hạm đội ở tất cả các đại dương có thể tác chiến được; có đội quân thường trực trên 300 nghìn người rải khắp các chiến trường trọng yếu trên địa cầu; có hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) chống tên lửa hạt nhân của đối phương…! Tận dụng ưu thế kinh tế, khoa học - công nghệ và quân sự, họ đang tung ra các loại hình chiến tranh tối tân, hiện đại và những phiên bản cực đoan nhất của nền chính trị cường quyền.
Nhân dân Sài Gòn đón chào đoàn quân giải phóng. Ảnh Tư liệu
Quân và dân các quốc gia dân tộc trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển buộc phải dành một nguồn lực tài chính, vật chất đáng kể nhằm từng bước hiện đại hóa nền quốc phòng của mình. Điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ, vì nó không san phẳng được khoảng cách so với siêu cường và các cường quốc khác. Cục diện lồi lõm này còn kéo dài. Vì thế, các quốc gia dân tộc đang và sẽ còn trở về với lý luận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và thực tiễn Việt Nam để một lần nữa, biến điều tưởng như không thể thành thắng lợi hiện thực, góp phần bảo vệ nền hòa bình chân chính cho toàn nhân loại.
Hôm nay viết những dòng này, thế hệ đương thời xin được thể hiện niềm tự hào lớn lao về quân và dân Việt Nam anh hùng; xin được tri ân các thế hệ đi trước đã để lại một giang sơn vẹn toàn, thống nhất; xin được nhắn gửi những ai lầm lỡ với nỗi “quốc hận” hãy thực lòng tu tỉnh, trở lại là con Lạc cháu Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh rạng rỡ tên vàng!
Minh Trí