Khó có thể kiểm đếm được sự thiệt hại về kinh tế khi mà dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến vô cùng phức tạp. Ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lao động đang làm việc quý I/2020 giảm hơn 680 nghìn so với quý 4/2019. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao nhưng tỷ lệ thiếu việc làm đã tăng từ gần 590 ngàn (1,22%) lên hơn 970 ngàn (2,03%). Đó là chưa kể sự suy giảm về tổng số giờ làm việc cũng như năng suất lao động. Thời điểm 2020, chúng ta vẫn đang là điểm sáng về nỗ lực vừa sản xuất vừa chống dịch với mức tăng trưởng 2,91%, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm. Đến năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2021, GDP vẫn có sự tăng trưởng 5,64%, bất chấp có quá nhiều khó khăn của đại dịch. Nhưng hiện nay, khi đợt dịch lần thứ 4 đã lây lan trên phạm vi toàn quốc, thì ảnh hưởng đã nhiều hơn thế, khi mà nhiều công ty ở các thành phố lớn phải cho công nhân tạm nghỉ việc, chuỗi sản xuất ở một số nơi bị ngưng trệ, đứt gãy; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề về giá cả và khâu tiêu thụ sản phẩm; hàng loạt các hoạt động du lịch, dịch vụ bị tạm dừng…, từ đó làm cho đời sống của công nhân, nông dân, người sản xuất kinh doanh, lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn.
Nhìn rõ những khó khăn, Chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp mang tính cấp bách như sản xuất “3 tại chỗ” trong các nhà máy, gói hỗ trợ kinh tế cho công nhân, người lao động, hộ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ liên kết các đầu mối cho nông nghiệp từ khâu sản xuất, bảo quản, tiêu thụ nông sản, tăng cường chuyển đổi số và xúc tiến thương mại… Nhờ đó, toàn dân ta được tiếp thêm sức mạnh, cùng tin tưởng, đồng lòng để vươn lên vượt qua khó khăn.
Các doanh nghiệp và người lao động nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất. Ảnh: Internet.
Đối chọi với đại dịch, chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị. Không quản gian lao vất vả, chẳng ngại hiểm nguy xa xôi, từ người đứng đầu đất nước, cho đến những tư lệnh địa phương, tư lệnh ngành, tất cả đều tham gia, chung tay chống dịch, bằng những chủ trương, chính sách từ vĩ mô đến cụ thể; bằng những hành động cụ thể liên tục không ngừng nghỉ để chính sách đó đến được với người dân. Nhờ vậy, dù phải chấp nhận giãn cách, cách ly tập trung, song đại đa số các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng, cho rằng đó chính là các chính sách đúng đắn để giúp đất nước thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng chịu tác động bởi đại dịch hết sức nặng nề. Gần như toàn bộ các sự kiện văn hóa, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí phải hủy bỏ, ảnh hưởng rất nhiều đến việc thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đảng, Nhà nước cũng kịp thời đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm thích ứng với tình hình, trong đó huy động sự tham gia của đông đảo người dân, giới văn nghệ sĩ cùng đồng hành với dân tộc trong các hoạt động văn hóa trên các không gian mạng, có thể kể đến như vũ điệu rửa tay “Ghen Cô-vy” của chàng trai trẻ Quang Đăng đã được người dân ở nước ta và thế giới cùng hưởng ứng, hay các hoạt động hát trực tuyến, hát tại các khu chung cư, bệnh viện có người nhiễm COVID-19 với khẩu hiệu “cách ly nhưng không cách lòng”, nhiều hoạt động từ thiện của các nhóm cộng đồng như “bữa ăn miễn phí”, “chuyến xe miễn phí”, “chỗ trọ miễn phí”… đã góp sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn cho công cuộc chống dịch của đất nước.
Covid-19 cũng mang tới những thách thức đối với ngành giáo dục Việt Nam. Tất cả các trường học đều phải đóng cửa, các cấp học phải tạm dừng, học sinh không có điều kiện tiếp xúc, học tập, trao đổi nâng cao kiến thức và kỹ năng…Chúng ta cũng đã đề ra ngay các biện pháp tức thời, đó là triển khai học tập trực tuyến, chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường học liệu, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật,… để học sinh, sinh viên, học viên có thể thích ứng, đồng thời coi đây cũng là một cơ hội để tiếp cận với các phương pháp học tập mới, hiện đại.
Thực tế, chúng ta cũng đã lường trước, hệ thống y tế của Việt Nam cho dù đã và đang được đầu tư đồng bộ, nhưng với tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể virút, đã gây ra rất nhiều vấn đề như quá tải ở các khu cách ly, một số bệnh nhân chưa được thăm khám kịp thời, các dịch vụ y tế chưa đáp ứng kịp, nhất là ở tuyến địa phương... Tuy vậy, với nhất nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, 100% các trung tâm y tế tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương chỉ trong thời gian ngắn; đã chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và đề nghị xin cấp phép vắc xin "made in Việt Nam”; nghiên cứu, áp dụng nhiều phác đồ điều trị Covid-19 có hiệu quả; các y, bác sĩ đã nêu cao tinh thần vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, vừa chống dịch hiệu quả…. Điều này đã thể hiện ở nhiều dấu hiệu tích cực: các F0 đã và đang được kịp thời cứu chữa, chăm sóc tận tình, số bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong giảm dần, số bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện ở nhiều thời điểm cao hơn số nhiễm bệnh.
Các y bác sĩ trên tuyến đầu thường xuyên trong bộ đồ bảo hộ kín mít nỗ lực cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Internet.
Trong bối cảnh hiện tại, khi nhìn vào diễn biến và cách thức chống lại dịch bệnh ở nước ta, chúng ta chắc chắn có thể tự hào về một đất nước anh hùng, có những địa phương anh hùng, con người anh hùng, biểu hiện cho một lối sống mới - lối sống tất cả vì mọi người, vì một cộng đồng đoàn kết, chung tay chiến thắng đại dịch. Khi có tình huống đặc biệt khó khăn, vấn đề đặc biệt nguy khốn, thì chắc chắn sẽ có những “lời giải đặc biệt”, mới xuất hiện những “con người đặc biệt” và những “tổ chức đặc biệt” để giải quyết: Những y, bác sĩ sẵn sàng bế bệnh nhân lớn tuổi vào bệnh viện, ân cần khám chữa bệnh mà không màng tới nguy hiểm của lây nhiễm, góp phần làm vinh danh những “chiến sĩ áo trắng”; các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân ngày đên trên chốt trực để bảo vệ những “vùng xanh” an toàn trong đại dịch mà không ngại hiểm nguy, họ sẵn sàng trở thành những người “nội trợ” đi chợ và “ship” hàng giúp dân; có biết bao thanh niên, giới văn nghệ sỹ sẵn sàng xung phong ở những tuyến đầu trong những vùng dịch lớn nhất để phục vụ nhân dân mà không quản vất vả; nhiều doanh nhân sẵn sàng tài trợ nhiều tỷ đồng để giúp đất nước mua thêm vắc xin, máy thở, thiết bị y tế, mà mục đích duy nhất chỉ là làm sao cứu được đồng bào; hay có những tấm gương lặng lẽ đi dép lê, đứng dưới đường phát tiền nhằm giúp người dân bớt chút khó khăn trên đường về quê chống dịch; những người chủ nhà trọ sẵn sàng miễn tiền trọ, thậm chí hỗ trợ người thuê nhà để họ vơi bớt khó khăn trong thời gian nghỉ việc; có những cây “ATM gạo”, “ATM oxy” xuất hiện giúp cho những người dân nghèo vượt qua khó khăn trong những ngày giãn cách, những ngày nằm điều trị tại nhà…
Lối sống tốt đẹp, nhân văn này không chỉ ở phía những người dân với nhau, mà còn được thể hiện ở những hành động của các cấp chính quyền bằng những quyết sách nhanh chóng, mang đậm tính nhân văn. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã vô cùng xúc động khi chính quyền thành phố đứng ra lo liệu các thủ tục mai táng cho người bị bệnh từ vong một cách chu đáo nhất; tỉnh nào cũng có các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xung kích tham gia trao tặng quà tới tay người cần…
Lực lượng bộ đội len lỏi sâu vào từng hẻm nhỏ của TP Hồ Chí Minh để trao tận tay lương thực, thực phẩm cho những người dân khó khăn. Ảnh: Internet.
Tất nhiên, trong quá trình “chống dịch như chống giặc” ở đâu đó vẫn còn đó những nhiêu khê ở phía một bộ phận người dân và chính quyền cơ sở. Còn hiện tượng một bộ phận người dân vì coi nhẹ lợi ích chung, đã có những biểu hiện chống đối lực lượng làm nhiệm vụ chỉ để thỏa mãn mục đích riêng cho mình như khai báo y tế gian dối, vượt chốt kiểm dịch, không phối hợp tốt với các đơn vị chống dịch. Đặc biệt, có những sự việc chúng ta cần lên án, đó là giữa đại dịch lại tập trung đi ăn nhậu, rồi đăng ảnh khoe lên mạng của một số bạn trẻ miền Tây; tụ tập, lạng lách và đi khắp nội thành khi thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 với lý do đã thông thuộc và né được các chốt kiểm soát của một số bạn trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh; thậm chí, ở trong khu cách ly vẫn đòi mua thuốc lá, khi nhân viên y tế không cho tiếp cận liền dùng hung khí đe dọa của thanh niên ở Bình Dương... Còn một số cơ quan, đơn vị, vì quá quyết liệt, đôi khi gây nên những hiểu lầm không đáng có với những cách bình luận hay tin đồn thất thiệt về những “khái niệm từ ngữ” như “bánh mỳ có phải thực phẩm”, “tiền không phải hàng hóa thiết yếu”, “phạt vì chở mèo đi khám bệnh”…
Với những thành quả bước đầu, đại diện Chính phủ Việt Nam khi họp bàn cùng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới để đánh giá về tình hình, tác động và công tác phòng chống dịch ở Việt Nam đã cho rằng chúng ta “Đi đúng hướng” với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Cũng theo Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường uy tín YouGov (có trụ sở tại Anh) phân tích dữ liệu về tỉ lệ người dân tin tưởng rằng chính phủ nước họ đang xử lý dịch Covid-19 rất tốt, Việt Nam chúng ta luôn dẫn đầu bảng xếp hạng khi có tới hơn 90% người dân tin tưởng vào cách Chính phủ chống dịch và phương tiện truyền thông nhà nước đăng tải về dịch bệnh. ClinSync - cơ sở tư nhân nghiên cứu và phát triển thuốc, vắc xin sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp của Việt Nam tiến hành thử nghiệm thuốc, dược phẩm, đặc biệt là vắc xin điều trị Covid-19.
Đất nước chúng ta là một đất nước anh hùng. Nhân dân chúng ta có truyền thống đồng lòng, chung tay vượt qua, và sẽ vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Vâng, thế giới tôn vinh, các quốc gia mến phục, tự chúng ta đã từng ngày nỗ lực và quyết tâm chiến đấu với nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Chắc chắn chiến thắng sẽ đến. Phải chăng, đây cũng chính là: “Lẽ thường Việt Nam” !
Công Tuyến