Với hơn 620 trang, cuốn sách có ba phần và nhiều nội dung hết sức phong phú. Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Phần thứ hai: Nhất quán phương châm: phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, trong đó tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và các chính khách, học giả nước ngoài ủng hộ và thể hiện niềm tin sâu sắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh lời giải cho câu hỏi lớn, bao trùm được đặt ra trong bài viết tổng quan của Tổng Bí thư, ở phần đầu cuốn sách: “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?”, cuốn sách đã giúp người đọc nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực và những tác hại của nó; hiểu rõ quá trình nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những kết quả mà cả hệ thống chính trịvà toàn xã hội đã đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời xác định được những việc phải làm và cách làm để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đấu tranh phòng,chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng mạnh mẽ và đồng bộ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới, Tổng Bí thư chỉ rõ: Tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (gồm: 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh uỷ; 2 chủ tịch, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4 nguyên phó bí thư thường trực tỉnh uỷ; 20 sĩ quan cấp tướng). Đặc biệt là, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các địa phương đã thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược," được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; điều này khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là cái gốc của tham nhũng, tiêu cực. Nhớ lại cách đây 54 năm nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bài viết mở đầu bằng hai câu mang tính khẳng định: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”[1]. Câu nói này với hàm ý mà Bác đã nhắc lại nhiều lần là “Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc” nghĩa là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.
Gặp mặt báo chí giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet.
Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đó có một bộ phận cán bộ cấp cao; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ðây mới là cái gốc của tham nhũng. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Đó là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Trước đây chỉ nói "chống tham nhũng, lãng phí"; điều đó không sai; nhưng dẫu sao lãng phí cũng chỉ là một việc cụ thể; còn tiêu cực có nội dung và phạm vi rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng; không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã tách đạo đức ra thành một mặt độc lập trong công tác xây dựng Đảng chứng tỏ Đảng ta đã bắt đúng bệnh và cái cần làm bây giờ là tổ chức thực hiện cho thống nhất, toàn diện, đồng bộ; mỗi người đảng viên cần phải xác định rằng rèn luyện đạo đức cách mạng phải làm thường xuyên như việc rửa mặt hàng ngày.
Vạch trần những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Tổng Bí thư nêu: Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các "nhóm lợi ích", không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp chúng ta vững tin về sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu hơn; các tổ chức đảng có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; Đảng gắn bó với Nhân dân mật thiết hơn và góp phần thiết thực hơn vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị như Chủ tịch Hồ Chí Mình đã dạy: “Đảng ta, Chính phủ ta, ngoài lợi ích của nhân dân, không có lợi ích nào khác, nên đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp”[2].
Hồng Kỳ