Điều 26 Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người (năm 1948) tuyên bố: “mọi người có quyền được giáo dục”. Sau Tuyên bố này, quyền được giáo dục ngày càng được nhân rộng và được quy định trong nhiều điều ước toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Từ đó đến nay, nhân loại cũng đã làm mọi cách để tất cả mọi người đều có cơ hội được học tập, đặc biệt là trẻ em có cơ hội đến trường.
Vậy mà, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã buộc hầu hết các quốc gia phải đóng cửa trường học - một quyền cơ bản nhất của con người đã trở nên xa vời và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Hàng trăm triệu học sinh trên thế giới không thể đến trường.
Theo Báo cáo của UNESCO, đại dịch Covid-19 đã làm hơn 90% học sinh toàn cầu phải ở nhà, không có cơ hội đến trường do giãn cách và dịch bệnh. Giải pháp thay thế là học trực tuyến. Điều đó đã tạo ra cuộc khủng hoảng về giáo dục tồi tệ nhất trong thế kỷ này và làm gia tăng bất bình đẳng giáo dục, phá hủy những nỗ lực mà nhân loại mất hàng trăm năm để thực hiện. Điều này được biểu hiện cụ thể:
Một là, nhiều trẻ em thiếu cơ sở vật chất khi học trực tuyến. Trẻ em những gia đình có điều kiện vật chất, có thể tiếp tục học tập từ xa qua máy tính, điện thoại di động và Internet, nhưng bên cạnh đó hàng triệu học sinh khác sống trong gia đình có thu nhập thấp, không có internet, không máy tính, điện thoại thông minh, thậm chí có nơi không có điện đã không có cơ hội học trực tuyến. UNESCO ước tính sẽ có khoảng 24 triệu trẻ em bỏ học[1]vì thiếu thiết bị học online. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều gia đình không có việc làm, không có thu nhập, kéo theo đó là không có tiền nộp học phí và không mua sắm thiết bị công nghệ cho con em theo học. Điều này cho thấy, bất bình đẳng giáo dục trước đây đã tồn tại giữa người giàu và người nghèo nay càng bộc lộ rõ ràng hơn trong đại dịch.
Học sinh Jhay Ar Calma (Philippins), 10 tuổi, thường trèo lên mái tôn nhà mình để bắt tín hiệu Internet học trực tuyến.
Hai là, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng sông nước thiếu thiết bị giáo dục cần thiết, do đó học sinh ở những nơi này chịu thiệt thòi về học tập trong mùa dịch. Hơn nữa, hầu hết các phụ huynh sống ở thành phố đều sử dụng được thiết bị công nghệ để hướng dẫn con học trực tuyến, nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh không thành thạo hay thậm chí không biết sử dụng công nghệ để có thể hướng dẫn con trẻ kết nối với việc học. Với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khả năng họ cho con quay lại trường học sau đại dịch là rất thấp. Nhiều nơi vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam không thể dạy trực tuyến, cách thức duy trì việc học ở những nơi này là “phụ huynh đến trường lấy bài về cho học sinh làm, rồi lại mang bài đến nộp cho giáo viên”. Cách thức này gặp rất nhiều khó khăn, từ đó học sinh ngại học, lười học, không chủ động học dẫn đến khoảng cách về trình độ ngày càng lớn giữa thành thị và nông thôn, đây là một trong những biểu hiện bất bình đẳng trong cơ hội thụ hưởng giáo dục có chất lượng.
Ba là, việc nghỉ học kéo dài làm cho sức khỏe, tinh thần của trẻ em bị ảnh hưởng, nhất là trẻ em xuất thân trong gia đình nghèo, phải lao động kiếm sống cùng gia đình do bố mẹ bị nhiễm bệnh hoặc mất việc vì Covid-19. Các nhà khoa học đã chứng minh, các tương tác xã hội sẽ giúp gia tăng các hormon tích cực cho não, làm giảm áp lực và giúp trẻ em phát triển thông minh, năng động hơn. Trong điều kiện dịch bệnh, việc cách ly sẽ ảnh hưởng đến các cơ chế này, khiến trẻ em chống chọi với căng thẳng kém hơn, cảm thấy lo lắng, bất an nhiều hơn, theo đó sức khỏe trẻ em cũng kém hơn. Bên cạnh đó, môi trường học trực tuyến của học sinh khi học ở nhà khó bảo đảm bởi không gian, tiếng ồn, thậm chí bạo lực… Đặc biệt ở những gia đình đông con, không gian sinh sống chật hẹp cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Tất cả những điều này đang đẩy nhanh khoảng cách bất bình đẳng về giáo dục trong mùa dịch và còn để lại hệ lụy cho tương lai.
Do dịch bệnh Covid-19, để học trực tuyến, học sinh miền núi của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Internet.
Việc không được tiếp cận cơ hội giáo dục của học sinh không chỉ ảnh hưởng tới mục tiêu trước mắt mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển trong tương lai của trẻ. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định rằng: Nhân loại đang phải đối mặt với “thảm họa thế hệ”, có thể lãng phí tài năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và khiến sự bất bình đẳng thêm trầm trọng.
Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục là tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, đặt biệt là trẻ em, không kể nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh gia đình như thế nào để có điều kiện vươn lên trong tương lai. Điều đó cho thấy quyền được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục và quyền được đến trường đang trở thành khao khát của mọi trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình tưởng là giải pháp cứu tinh khi dịch bệnh ngăn đường đến trường của thầy trò, nhưng lại đang khoét sâu hơn bức tranh giáo dục bất bình đẳng hơn lúc nào hết. Điều đó cũng cho thấy cần phải có những chính sách làm hạn chế sự bất công bằng cho học sinh ở những vùng miền khác nhau.
Đại dịch Covid vẫn đang diễn biến vô cùng ở phức tạp trên khắp thế giới và ở Việt Nam. Hiện nay, vắc xin phòng Covid-19 đang được bao phủ tới người trưởng thành, nhưng đối với trẻ em thì chưa được bao phủ đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi. Vì vậy, tình trạng đóng cửa trường học có thể còn kéo dài. Do đó, để hạn chế tình trạng bất bình đẳng giáo dục tăng cao trong đại dịch, trước mắt Chính phủ cần nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn trang thiết bị công nghệ phục vụ học trực tuyến. Đầu tư cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, đường truyền internet ổn định để học sinh có cơ hội học tập. Tăng cường đào tạo về dạy học trực tuyến cho giáo viên chưa thạo sử dụng công nghệ. Về cơ bản và lâu dài cần tiến hành tiêm chủng mở rộng vắc xin Covid-19 cho học sinh cả nước. Tiếp tục tuyên truyền biện pháp chống dịch “vắc xin + 5k”. Đồng thời, bổ sung sửa đổi luật Giáo dục (2019), trong đóquy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh. Bổ sung quy định về học trực tuyến với cả giáo viên và học sinh, thường xuyên tập huấn về vấn đề này để tránh bị động như thời gian dịch bệnh vừa qua.
Hà Lê