1. Đại hội lần thứ XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường. Đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, với nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết. Cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Trong bối cảnh chung đó, có hai điểm cần được nhấn mạnh:
Một là, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng, trong nước dù đã chủ động và thực hiện phòng, chống dịch rất tốt nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn rất cao nếu chủ quan, lơ là. Điều đáng nói, trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này, luôn được nhân dân ủng hộ, tiếp sức. Đây là biểu hiện sinh động cho “ý Đảng lòng dân”, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất để “đi qua giông bão” mùa đại dịch Covid-19!.
Hai là, đất nước sau 35 năm đổi mới (1986-2021), sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020) và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII (2016 - 2021), không những đã giành được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, mà còn tạo ra động lực, khí thế, niềm tin và khát vọng mới để xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng. Đặc biệt là kết quả phát triển kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2020, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đều thể hiện niềm tin, khát vọng để xây dựng đất nước Việt Nam: Hùng cường, Phồn vinh, Hạnh phúc.
2. Niềm tin là một thành tố quan trọng của đời sống chính trị và cụm từ “niềm tin” được nhấn mạnh - đề cập 20 lần trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng là Đại hội của niềm tin được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào quá trình chuẩn bị Đại hội rất kỹ càng, cẩn trọng và chu đáo. Trong đó, nổi lên hai vấn đề quan trọng, đó là:(1) Chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra. Chuẩn bị cho việc xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước”. Luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, các đề xuất tâm huyết của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. (2) Chuẩn bị về nhân sự cho Đảng và hệ thống chính trị của đất nước một cách dân chủ, đúng quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn để Đại hội bầu chọn ra những người đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước. Trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đặc biệt là “Tứ trụ” của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Qua các Hội nghị Trung ương vừa qua đã cho thấy công tác nhân sự của Đại hội XIII được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và đầy trách nhiệm.
Ảnh minh hoạ
Thứ hai, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào những quyết sách tại Đại hội. Đại hội Đảng là một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội còn đề ra những quyết sách rất quan trọng, định hướng cho đất nước phát triển trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, có hai nội dung mang tính rường cột, cốt lõi: 1- Thông qua Nghị quyết Đại hội với tầm nhìn mới để xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết đó phải bám sát thực tiễn, phù hợp với thời đại, mang lại lợi ích cụ thể, chính đáng cho nhân dân. 2- Bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương - những người đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước, đặc biệt là những người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến tương lai của đất nước nên mỗi lá phiếu bầu tại Đại hội có vai trò, “sức nặng” vô cùng lớn, đòi hỏi 1.587 đại biểu vinh dự thay mặt cho hơn 5 triệu đảng viên, gần 100 triệu quần chúng nhân dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và thể hiện trí tuệ của mình. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đang đặt niềm tin rất lớn vào các đại biểu ưu tú!
2. Khát vọng, theo cách hiểu phổ quát, là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”. Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song.
Khát vọng phát triển đất nước hiện nay là mong muốn của nhân dân, là hào khí của dân tộc đang được thổi bùng lên trên toàn cõi đất nước Việt Nam. Đó là khát vọng vươn lên trở thành một nước phát triển; khát vọng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc; khát vọng khẳng định vị trí, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cũng chính vì vậy, Dự thảo Báo cáo chính trị lần này nhấn mạnh đến khát vọng phát triển đất nước - có 20 lần cụm từ “khát vọng” được nhắc đến.
Khát vọng vươn lên trở thành một nước phát triển được thể hiện rõ nét trong mục tiêu phát triển: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Khát vọng một đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc là điểm nổi bật trong Dự thảo Văn kiện lần này, “không chỉ là mơ ước mà là khát vọng mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích với những bước đi được dự liệu rõ ràng”. Trong đó, quan điểm "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" được nhấn mạnh.
Khát vọng khẳng định vị trí, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng là một điểm nhấn trong Dự thảo Văn kiện. Trên nền tảng thành tựu “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, khát vọng khẳng định vị thế, uy tín được thể hiện trong định hướng phát triển đất nước: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Có thể nói, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là ngày hội của non sông đất nước; các Văn kiện của Đại hội là kết tinh trí tuệ, niềm tin và khát vọng của toàn thể dân tộc, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Hiện thực hóa khát vọng này, là cách chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất, mong muốn của Người là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hoà Phạm