1. Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có dấu mốc quan trọng về sự phát triển của Đảng, của đất nước.Đối với Đại hội XIII, Nhân dân đặt kỳ vọng lớn lao và sâu sắc vào những quyết sách mà Đảng sẽ đề ra; Đại hội XIII còn đánh dấu chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, đánh dấu 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; đặc biệt, Đại hội XIII cũng nhìn lại một năm phát huy tinh thần vượt khó thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế -xã hội. Năm 2020, khi cả thế giới chao đảo vì Covid-19 thì Việt Nam đã nổi lên và trở thành một quốc gia được đánh giá là chống dịch có hiệu quả nhất. Cùng với chống dịch, Việt Nam vẫn phát triển kinh tế và được đánh giá là một trong số ít các nền kinh tế có sự tăng trưởng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986). Ảnh: Tư liệu
35 năm trước, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ VI và thông qua đường lối đổi mới trong bối cảnh lạm phát tăng hơn 770%, hầu hết các mục tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đều không đạt được. Kết thúc năm 2020, trải qua chặng đường 35 năm đổi mới, Việt Nam đã chính thức trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ở Đông Nam Á và đứng thứ 36 trên thế giới. Năm 2020 cũng là năm Việt Nam đã đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lần thứ 2, Chủ tịch Hội đồng bảo an trong tháng 1- 2020 và Chủ tịch ASEAN năm 2020 để lại những dấu ấn thành công đặc biệt… Những thành tựu lớn lao ấy đưa lại cho chúng ta luồng sinh khí mới, sức mạnh mới để đi tới những thành tựu mới trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ nhìn lại 35 năm đổi mới, đồng thời đặt ra mục tiêu không chỉ cho nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn là tầm nhìn tới 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Việt Nam sẽ phấn đấu để đến năm đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chúng ta gọi đây là khát vọng phồn vinh dân tộc.
2. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vững vàng, nắm chắc tay lái để con thuyền đất nước vững vàng ra biển lớn. Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19 thì nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ là nhiệm kỳ mà Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những nhiệm kỳ gần đây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 là xấp xỉ 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới, thì sang giai đoạn 2016-2020, nếu tách riêng năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt mức 6,8% và năm 2020 do dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng giảm xuống còn 2,91%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Có nhiều nguyên nhân đưa đến thành công của cả nhiệm kỳ 2016-2020, song nguyên nhân quan trọng là việc cụ thể hóa, triển khai các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được tiến hành toàn diện, đồng bộ, cụ thể, đi vào những vấn đề cốt lõi như quản lý điều hành vĩ mô, sự định hướng cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, đó là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc nêu gương và kỷ luật nghiêm minh. Chủ trương này đã đạt được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây chính là sự đổi mới quan trọng trong tư duy phát triển của Đảng.
3. Đất nước chính thức đổi mới từ năm 1986, thế nhưng sau đó vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức từ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, do tác động sâu sắc, nặng nề từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Thế nhưng, chỉ sau đó không lâu, nhất là từ Đại hội lần thứ VII của Đảng, bằng đường lối đối ngoại tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, với quan điểm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp quốc. Việt Nam có 17 quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, trong đó có 03 đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh.
Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có quan hệ với các chính đảng cộng sản và công nhân quốc tế mà đã có quan hệ với 228 đảng tại 112 nước trên thế giới, trong đó có 59 đảng cầm quyền và 39 đảng tham chính (số liệu đầu năm 2020). Việt Nam và Mỹ từ hai nước cựu thù trở thành đối tác toàn diện. Đặc biệt, tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang trong chuyến thăm Mỹ 2013 đã khẳng định: “Hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
4. Kể từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều lần thực hiện chỉnh đốn Đảng, thế nhưng có lẽ chưa bao giờ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch bộ máy được thực hiện có hiệu quả như nhiệm kỳ 2016-2020. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là một dấu ấn đặc biệt của nhiệm kỳ. Đây là một trong nhiều nghị quyết đề cập tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng ra đời vào thời điểm mà công tác này trở thành vấn đề vừa hệ trọng, vừa cấp bách đối với Đảng, với xã hội, với chế độ và cũng là cấp bách từ đòi hỏi của Nhân dân.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Ảnh: Tư liệu
Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có nhiều biện pháp được đưa ra để góp phần xây dựng Đảng, làm trong sạch đội ngũ. Đảng đã tiến hành thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
5. Đại hội XIII của Đảng được xem là Đại hội chuyển giao thế hệ. Ngoài các trường hợp đặc biệt ở lại đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thì đa số các Ủy viên Trung ương được bầu đều trưởng thành sau năm 1975. Đây có thể xem là một lợi thế khi những đồng chí trẻ có cơ hội học tập, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới. Tất nhiên, so với đặc thù của Việt Nam thì kiến thức, khả năng, kinh nghiệm phải luôn gắn liền với bản lĩnh chính trị, sự thấm nhuần những giá trị chính trị cốt lõi của Đảng và dân tộc. Do đó, những tư duy, ý tưởng mới nếu không được kiểm nghiệm cẩn trọng mà vội vàng đưa vào thực hiện trong đời sống xã hội thì cũng có thể sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.
Ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ là bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, sẽ bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, vì vậy đây là một công việc hệ trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn diễn biến rất khó lường. Những xung đột về sắc tộc, tôn giáo, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, vấn đề tranh chấp tài nguyên, chủ quyền biển đảo vẫn sẽ diễn ra gay gắt. Đặc biệt, thiên tai, dịch bệnh do biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường v.v… Tất cả những khó khăn thách thức này đang đặt trọng trách lên vai Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt trọng trách lên vai ban lãnh đạo mới của Đảng.
Những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau 35 năm đổi mới đất nước, những thành tựu và dấu ấn đặc biệt của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đặt nền móng, tiền đề để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Đây cũng chính là kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên chân chính và các tầng lớp Nhân dân luôn trăn trở, thao thức với vận mệnh của đất nước, của Đảng, với hạnh phúc của Nhân dân. Vì ý nghĩa ấy, Đại hội XIII của Đảng là đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trung Kiên