Từ những vụ việc tham nhũng, tiêu cực…
Thời gian qua, do những tác động của nhân tố chủ quan và khách quan, một số cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước có những hành vi tham nhũng, tiêu cực; có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bị sức mạnh của đồng tiền, danh lợi chi phối để rồi phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thâm hụt ngân sách quốc gia, làm chậm nhịp phát triển của đất nước, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chế độ.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022. Ảnh: Internet.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng.
Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.
Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 ủy viên Bộ Chính trị, 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (2016-2020) có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0.5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống (60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (33%); 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (6.9%). Như vậy, số đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống chiếm tỷ lệ cao nhất, vi phạm vào những điều cấm như: đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoạc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Điều này cho thấy, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Hậu quả của những hiện tượng, vụ việc trên gây tổn hại đến uy tín, niềm tin, danh dự giữa Đảng với nhân dân; làm suy giảm sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng; làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, cần được xử lý nghiêm minh để giữ kỷ cương phép nước và tạo dựng niềm tin, sức mạnh, sự ủng hộ trong nhân dân.
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 09/12/2021. Ảnh: Internet.
… Cần xây dựng văn hóa từ trong Đảng và thực thi văn hóa từ chức
Để khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước những tác động xấu của quá trình hội nhập toàn cầu, kinh tế thị trường, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, mang tính thường xuyên, lâu dài. Bên cạnh việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về kiểm soát quyền lực, chống tha hóa, lạm quyền thì việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể được Đảng xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời căn dặn của Người về đạo đức, tư cách của người cách mạng, phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Phát huy, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị văn hóa chính trị truyền thống, đó là tinh thần nêu gương sáng, gương mẫu, tiên phong trong mọi hoàn cảnh của người cán bộ; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, thiên lương; tuyệt đối trung thành với nước với dân. Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái bạo tàn. Luôn trọng dân, kính dân, yêu thương dân, dựa vào dân, gần dân và học tập nhân dân.
Xây dựng văn hóa trong Đảng là kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh với những giá trị, chuẩn mực, triết lý của nền hành chính công vụ được thực thi; là những hành vi văn minh nơi công sở được thực hiện. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật, điều lệ Đảng, mỗi cơ quan, tổ chức cần xây dựng “sức mạnh, quyền lực mềm” thông qua những chuẩn mực văn hóa đạo đức, quy ước cộng đồng để giáo dục, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tiến bộ, tích cực.
Đi đôi với việc xây môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội thì việc hình thành và thực thi văn hóa từ chức cần được tiến hành thường xuyên, “trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ". Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Việc từ chức được tiến hành trong các trường hợp cán bộ: (1) Hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; (2) Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; (3) Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; và vì những lý do chính đáng khác của cá nhân.
Nhắc câu nói của nhân vật Pa-ven Coóc-xa-ghin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Ni-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xky: Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc, sự vẻ vang của Giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhắc nhở, gửi đến đội ngũ cán bộ, đảng viên thông điệp sâu sắc, ý nghĩa: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
Để khắc phục những “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực - nạn tham nhũng, tiêu cực, cần xây dựng, hình thành văn hóa tiết kiệm, văn hóa công vụ, kiến tạo môi trường làm việc lành mạnh, nhân văn, khoa học, tiến bộ với những giá trị tốt đẹp được lan tỏa sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng trưởng thành, tiến bộ, luôn tự soi, tự sửa, khắc phục những mặt hạn chế; ra sức sáng tạo, cống hiến, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, cùng nhân dân thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
N.H.P