Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính Phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “… Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[1]. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử ở Việt Nam. Điều 2 của Sắc lệnh ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ngày 14/4/1964, trước khi ngày bầu cử Quốc hội khóa III diễn ra, Người nhấn mạnh: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn”[2]. Hướng về cử tri, Người căn dặn: “… dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước”[3], “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”[4].
Nhiệm vụ chính trị ở mỗi thời kỳ lịch sử tuy khác nhau nhưng từ năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước; cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quyền bầu cử của nhân dân không chỉ là kết quả của quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa khi đề cao quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cử tri: “Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt mình trong Quốc hội”[5].
Phát huy quyền và trách nhiệm cử tri theo lời Bác dạy
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức ngày 23/5/2021 trên phạm vi toàn quốc, với gần 85.000 điểm bầu cử, để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và hàng nghìn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan quyền lực cao nhất tại địa phương. Để bảo đảm thực hiện đúng và đủ quyền, nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử, cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân trong bầu cử, vận động nhân dân tham gia bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thực tế vẫn còn tồn tại ở nơi này, nơi khác hiện tượng bỏ phiếu hộ, bỏ phiếu thay; một người bỏ phiếu cho nhiều người. Để khắc phục tình trạng trên, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải thật sự trở thành một hạt nhân tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo của Đảng về cuộc bầu cử, để mỗi cử tri nhận thức rõ việc trực tiếp đi bỏ phiếu không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của người dân khi trực tiếp lựa chọn, bỏ phiếu bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.
Hai là, mỗi cử tri cần phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình khi tham gia bầu cử.
Mỗi cử tri cần phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc bầu đủ số lượng đại biểu theo quy định nhằm bảo đảm cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng của mình được thực hiện một cách tốt nhất. Mỗi cử tri cần suy nghĩ thấu đáo, sử dụng lá phiếu một cách tốt nhất, chọn bầu ra những người có đức, có tài. Việc chọn đúng, bầu đủ số lượng đại biểu của cử tri là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của cuộc bầu cử và chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Ba là, thực hiện đúng nguyên tắc bầu cử. Bầu cử có những nguyên tắc chung nhất, mà bất cứ hoạt động bầu cử ở đâu cũng đều phải tuân theo. Do vậy, mỗi công dân khi tham gia bầu cử cần nắm rõ 4 nguyên tắc cơ bản: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín; những quy định và thể lệ bầu cử; cần hiểu rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân… Có am hiểu về các nguyên tắc, các quy định mới có thể xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có năng lực, có đạo đức, có phẩm chất tốt… để bầu cử.
Bốn là, mỗi cử tri cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại những hoạt động xuyên tạc, chống phá bầu cử. Hiện nay, các thế lực thù địch đang điên cuồng ra sức chống phá bằng những chiêu trò: xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực; chúng triệt để sử dụng không gian mạng để hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi, gieo rắc nhận thức sai lệch, phiến diện về công tác bầu cử; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử… Vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo, sáng suốt trước luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để kiên quyết đấu tranh bảo vệ ngày bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.
Ngày bầu cử đang đến gần, mỗi lá phiếu không không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của cử tri với vận mệnh của đất nước. Học tập và làm theo lời Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải thể hiện tích cực quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong bầu cử. Điều đó góp phần làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội non sông, ngày hội toàn dân.
[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.7.
[2]Sđd, tập 14, tr.298.
[3]Sđd, tập 4, tr.166.
[4]Sđd, tập 4,tr.168.
[5]Sđd, tập14, tr.298.
Hà Thuỷ