Những dư âm không thể nào quên
Khi thực dân Pháp thực hiện dã tâm đặt ách đô hộ lên nước ta một lần nữa buộc dân tộc ta phải lựa chọn một trong hai con đường: Hoặc nhượng bộ cho địch để rồi làm thân trâu ngựa; hoặc quyết tâm kháng chiến để giữ lấy độc lập, tự do; nhân dân ta đã lựa chọn con đường quyết tâm kháng chiến.
Theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), một lần nữa cả dân tộc đã đứng lên kháng chiến chống Pháp để rồi, suốt 9 năm trường kỳ chiến đấu gian khổ, với vô vàn hy sinh, thắng lợi hoàn toàn đã thuộc về dân tộc Việt Nam anh dũng, kiên cường, thuộc về Nhân dân Việt Nam yêu nước và không cam chịu thân phận nô lệ. Thắng lợi vĩ đại ấy được ghi dấu bởi chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết ngắn gọn: “Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị Nhân dân một nước thuộc địa đánh cho tan tành tơi tả và phải cút về nước”!
Sức mạnh làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy trước hết được bắt nguồn từ căn nguyên sâu xa là công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước ngàn đời của ông cha ta, đã đúc kết thành truyền thống yêu nước, thành vô vàn bài học máu xương quý giá. Để từ đó, thế hệ con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát huy và nâng lên tầm cao mới. Đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp tinh thần nhân ái, khoan hòa, yêu hòa bình, chuộng lẽ phải của một dân tộc nhỏ bé luôn thường trực mối họa ngoại xâm và thiên tai, địch họa. Đó là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - một loại sức mạnh kỳ diệu và vĩ đại, được hun đúc từ tinh thần đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ của Nhân dân ta - vốn cũng được bồi lắng từ vô vàn cuộc tranh đấu cho quyền độc lập, tự quyết dân tộc trước đó. Đó còn là tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, cùng tinh thần mưu trí, dũng cảm, can trường, bất khuất, quyết đánh và quyết thắng của muôn triệu con người Việt Nam yêu nước. Tinh thần ấy đã trở thành điểm tựa để nâng đỡ dân tộc ta, Nhân dân ta bước qua mọi nghịch cảnh, mọi gian khổ mà đi đến cái đích cuối cùng là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân... Bấy nhiêu truyền thống quý báu ấy đã đan kết chặt chẽ với nhau tạo thành khối sức mạnh vô địch, có thể đè bẹp, nghiền nát sự hiếu chiến cùng tham vọng của kẻ thù trên cứ điểm Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm.
Khi nhắc nhớ về chiến thắng đã làm nức lòng Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng khẳng định: “Trước hết, Điện Biên Phủ không chỉ có giá trị to lớn đối với chúng ta, mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với quốc tế... ba từ Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ, như bạn bè ta đánh giá, “đã làm rung động con tim của hàng tỷ người khát khao độc lập tự do”, là “tiếng kèn xung trận” đối với các phong trào giải phóng dân tộc, là “một sự thức tỉnh”, “một sự thật vĩ đại chói lọi niềm hy vọng to lớn và tươi sáng”...
Có thể nói, từ thung lũng hiểm trở của Tây Bắc xa xôi, chiến thắng Điện Biên Phủ có sức phát sáng diệu kỳ, bản thân chúng ta nhiều khi cũng không lường hết vòng tỏa sáng của nó. Chúng ta tự hào coi Điện Biên Phủ là di sản tinh thần quý báu của dân tộc Việt Nam, đồng thời là di sản chung của nhân loại. Trách nhiệm của các thế hệ chúng ta là trân trọng gìn giữ, bảo vệ di sản đó, phát huy cao nhất những giá trị tinh thần của Điện Biên Phủ vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước hôm nay và mai sau.
Tinh thần Điện Biên Phủ là ánh hào quang tỏa sáng mai sau
Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng đã trở thành một chương hào hùng bậc nhất trong pho sử vàng đấu tranh giữ nước của dân tộc ta và thành “di sản tinh thần quý báu của dân tộc Việt Nam”. Để rồi, thấm nhuần chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lại được thôi thúc, cổ vũ từ tinh thần quyết chiến, quyết thắng cùng khí phách Điện Biên Phủ hào hùng, dân tộc ta đã bước tiếp vào cuộc trường chinh ngót 20 năm, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai, thu giang sơn về một mối. Và, cũng chính tinh thần Điện Biên Phủ bất khuất đã dẫn dắt dân tộc ta đi qua những năm tháng khó khăn, gian khổ trước đổi mới và những năm đầu đổi mới, để vững bước đi trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, chúng ta rất khát khao hòa bình. Hòa bình và hữu nghị là nguyện vọng của dân tộc ta. Độc lập và chủ nghĩa xã hội là lẽ sống của Nhân dân ta”. Nguyện vọng và lẽ sống cao cả ấy đã và luôn thôi thúc dân tộc ta, Nhân dân ta tiếp tục đứng lên làm một cuộc “trường chinh” mới - công cuộc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự thật là, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đầy rẫy thách thức, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, mà từ đó khát vọng về một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đang được hun đúc và thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn và nhiều xung đột lợi ích như hiện nay, việc dựng xây đất nước phải song hành chặt chẽ với việc bảo vệ thành quả của hàng thập kỷ tranh đấu, cũng chính là bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Đứng trước yêu cầu đó, đòi hỏi chúng ta càng phải luôn trân trọng quá khứ lịch sử bởi lịch sử có thể cung cấp nhiều bài học vô giá, mà những bài học từ Điện Biên Phủ vốn phải trả bằng vô vàn máu xương. Vậy nên, mỗi câu, mỗi chữ của bài học ấy phải được khắc vào máu tim, vào tâm trí mỗi người, để nhắc nhớ chúng ta không được phép lãng quên và càng không được ngủ quên trên chiến thắng.
Như cách mà một tờ báo của Bun-ga-ri từng đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa chính trị to lớn với phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, mà còn ở cả Đông Dương và ở bất cứ nơi nào trên thế giới đang chiến đấu chống các thế lực của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy mà ngay cả đến hôm nay, tấm gương Điện Biên Phủ vẫn còn sáng chói và nghiêm khắc cảnh cáo các âm mưu của các thế lực phản động định quay ngược bánh xe lịch sử, áp đặt ý muốn của chúng và tước bỏ quyền thiêng liêng của một dân tộc quyết giành quyền tự do và quyền tự quyết”.
Trên hành trình tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc gia - dân tộc trên trường quốc tế ngày nay, những thành tựu đã hiện hữu, song thách thức, khó khăn cũng không hề nhỏ. Đảng ta đã chỉ rõ, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, cùng với “4 kiên định” đó là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; thì cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời làm cho tinh thần Điện Biên Phủ luôn tỏa sáng, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức.
Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Tinh thần Điện Biên Phủ mãi mãi cổ vũ Nhân dân ta vững bước tiến lên trên hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới”. Do đó, gìn giữ và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Điện Biên Phủ cũng chính là lan tỏa cội nguồn của lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình; của khát vọng độc lập, tự do; của tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; của ý chí quyết chiến, quyết thắng; của khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Để từ đó, biến các nhân tố cốt lõi làm nên truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và cốt cách, phẩm giá con người Việt Nam ấy trở thành điểm tựa tinh thần, thành nguồn lực nội sinh vững chắc, nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường cho quốc gia - dân tộc.
Ngô Khắc Sơn