Chủ tịch Hồ Chí Minh không coi xây dựng Đảng là biện pháp tình thế mà là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên. Đó cũng là sự vận động của bản thân Đảng trong quá trình phát triển của cách mạng. Xây dựng Đảng là yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng.
Trong bản Di chúc lịch sử - di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, là kết quả của một quá trình đầu tư trí tuệ, tâm huyết - Hồ Chủ tịch đã để lại những lời dặn dò, tình cảm sâu nặng, thiết tha của Người đối với toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong Di chúc, những lời đầu tiên Người để lại là những lời “trước hết nói về Đảng”. Người căn dặn, “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[1]. Rõ ràng, xây dựng Đảng không chỉ là lời căn dặn, là tâm nguyện mà đồng thời cũng chính là yêu cầu của Hồ Chủ tịch vì tương lai của đất nước, vì tiền đồ của dân tộc.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Người có ba nội dung lớn, là: Đoàn kết thống nhất; rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình.
1. Về đoàn kết thống nhất trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[2].
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản vào đầu năm 1930, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn ai hết vai trò cực kì quan trọng của sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”, chính nhờ “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập tới nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này tới thắng lợi khác”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bàn về đoàn kết thống nhất trong Đảng và thường nhấn mạnh, đoàn kết thống nhất trong Đảng có nghĩa là trong Đảng không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Đảng tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, là then chốt của thành công.
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng là tiền đề quyết định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đảng cần phải tiếp tục kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng của giai cấp công nhân, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời thiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đoàn kết ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong các thời kỳ khác nhau của cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, coi đoàn kết thống nhất là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Ngay khi hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), Đảng chỉ rõ đoàn kết thống nhất trong Đảng: “Phải ra sức xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức”[4].
Những năm gần đây, Đảng ta đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng và trong các cơ quan, đơn vị. Nhất là, trong hoàn cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường thì sự đoàn kết, thống nhất của Đảng về tư tưởng và hành động càng quan trọng, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”[5].
Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên càng phải chăm lo củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng, trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng. Đó là vấn đề sống còn của Đảng và cách mạng.
2. Về rèn luyện đạo đức cách mạng
Tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng cầm quyền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và nêu nguyên tắc cốt lõi đảm bảo Đảng giữ được vai trò, vị thế của một Đảng cầm quyền: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[6]. Luận điểm về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong sạch, vững mạnh là sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Điểm độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Người luôn gắn vai trò, vị trí của Đảng cầm quyền với đạo đức cách mạng. Tức là, đã là Đảng cầm quyền phải có đạo đức cách mạng, và có đạo đức cách mạng, thì Đảng cầm quyền mới thực sự lãnh đạo được quần chúng nhân dân, mới được nhân dân tin tưởng: “Quần chúng chỉ quý mến người có tư cách đạo đức” và “một tấm gương sống còn hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với văn hóa Việt Nam, sự nêu gương, người tốt, việc tốt có tầm ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt đó là sự nêu gương của người đứng đầu.
Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, sáng lập Đảng, xây dựng và rèn luyện Đảng trở thành một Đảng cầm quyền cho đến khi viết Di chúc, mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng về đạo đức. Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, đạo đức cách mạng là cơ sở nền tảng của một Đảng cầm quyền. Bài học đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các học viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại lớp tập huấn ở Quảng Châu - Trung Quốc là bài học về tư cách của người cách mạng:
“Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi của mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hi sinh.
Ít lòng ham muốn về vật chất.
Bí mật”[7].
Đảng ta là một đảng chính trị, nhưng với Hồ Chí Minh, “chính trị là: 1. Đoàn kết; 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”[8]. Do đó, Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Sức mạnh của Đảng là ở chỗ có được một lực lượng quần chúng đông đảo ủng hộ, điều đó chỉ có thể có được khi Đảng được quần chúng tin cậy: “Muốn dân phục phải được dân tin. Muốn dân tin phải thanh khiết”[9].
Chính đạo đức cách mạng trong sáng trọn đời vì nước vì dân của Người và của bao chiến sĩ cộng sản đã làm rung động bao trái tim quần chúng, hướng họ theo cách mạng. Đạo đức cách mạng - với tất cả những giá trị tốt đẹp của nó, cũng chính là mục tiêu và động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà ta đang xây dựng không chỉ dựa trên nền tảng của một lực lượng sản xuất hiện đại, có năng suất lao động cao, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp mà còn bảo đảm sự tiến bộ, văn minh trong quan hệ xã hội và đời sống văn hóa, đạo đức. Với ý nghĩa đó, đạo đức cách mạng trở thành một sức mạnh chính trị lớn lao để Đảng và hệ thống chính trị lãnh đạo, tổ chức toàn dân vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 616.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 15, tr. 622.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 15, tr. 621 - 622.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập: Tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 855.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 26 - 27.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 15, tr. 622.
[7] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 2, tr. 280.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 5, tr. 75.
[9] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 5, tr. 69.
Hồng Tâm