Nội dung bao trùm làm nên giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng về xây dựng Đảng. Bên cạnh hai nội dung: “Đoàn kết thống nhất” và “rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên”, thì “phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình” là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong bản Di chúc lịch sử này.
3. Về phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[1].
Dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc dù khó khăn đến mấy. Hồ Chí Minh cho rằng: Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân; dân chủ là mọi người đều được bày tỏ ý kiến của mình để góp phần tìm ra chân lý. Dân chủ không chỉ thể hiện trong lời nói mà còn phải thực hành - thực hành dân chủ. Để việc thực hành dân chủ có hiệu quả, trước hết cần phải thực hành dân chủ trong Đảng, từ đó, làm gương cho việc thực hành dân chủ trong toàn xã hội. Việc thực hành dân chủ rộng rãi sẽ khai thác và phát huy được sáng kiến, trí tuệ và lòng hăng hái, tiên phong của mọi đảng viên, nhờ đó mà Đảng có thêm sức mạnh trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở chúng ta rằng, một con người dù có khôn ngoan tài giỏi đến mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng không thể nhìn thấy và xem xét được mọi mặt của vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó, thấy được mọi mặt của vấn đề.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, không được đồng nhất việc trong Đảng có những ý kiến khác nhau khi thảo luận, tranh luận với tình trạng mất đoàn kết. Đồng thời cần phòng tránh những biểu hiện đoàn kết một chiều, xuê xoa thủ tiêu đấu tranh. Mọi cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe ý kiến của nhau, giải quyết có lý, có tình. Trong tổ chức sinh hoạt Đảng cần thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu xa rời nguyên tắc này sẽ làm Đảng suy yếu, sẽ mở đường cho chủ nghĩa cơ hội, bè phái, vô chính phủ… lợi dụng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra sự đan xen giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người. Người nói: Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa. Vì vậy, Đảng phải thường xuyên “giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại”. Cách sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm đó để tiến bộ không có gì hiệu quả hơn là thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình không chỉ là nguyên tắc sinh hoạt Đảng mà còn là nguyên tắc phát triển Đảng. Mục đích của việc thực hiện tự phê bình và phê bình không gì khác hơn là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao cho.
Để việc tự phê bình và phê bình thực sự phát huy hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi đảng viên, mọi tổ chức đảng không những phải tiến hành thường xuyên, “luôn dùng” mà còn phải “khéo dùng” mới mang lại tác dụng tích cực. Theo Người, mỗi cán bộ đảng viên trong khi thực hiện tự phê bình và phê bình luôn phải trung thực, chân thành với chính mình cũng như với người khác. Việc phê bình phải được tiến hành với tinh thần xây dựng, “phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết”[2]. Đặc biệt, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thái độ tự phê bình và phê bình, đòi hỏi thực hiện tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành, nghĩa là không nể nang nhưng cũng không thêm bớt. Tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí là nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm chứ không phải để xoi mói, công kích nhau, càng “không phải đập cho tơi bời”. Với thái độ như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mới luôn ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Nguồn: TTĐT Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang
Kế thừa và phát triển tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chỉ có dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chúng ta mới có thể nhận rõ ưu điểm để phát huy, thấy hết khuyết điểm để sửa chữa; không được có thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, lừa dối cấp trên, xuê xoa, nể nang hoặc đàn áp, trả thù người phê bình mình. Trong các cuộc vận động tự phê bình và phê bình vừa qua, với tinh thần nghiêm túc và dân chủ, nhiều cấp, nhiều ngành đã phát hiện và tích cực sửa chữa một số khuyết điểm, bước đầu củng cố được lòng tin của đảng viên và quần chúng”[3], đồng thời, Tổng Bí thư khẳng định, “làm tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sẽ có căn cứ để hiểu rõ thêm cán bộ, đánh giá, xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị”[4], “muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Thái độ nể nang, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”[5].
Tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã khẳng định “thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hoà vi quý”[6]. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tự phê bình và phê bình vẫn còn hạn chế: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp”[7].
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII hiệu quả, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”[8]. Cán bộ, đảng viên cần trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, ngay sau Hội nghị trung ương 4 khóa XIII, ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành hai văn bản quan trọng: Quy định số 37-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 về những điều đảng viên không được làm và Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong tình hình mới.
Trong bối cảnh hiện nay, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc càng có giá trị hơn bao giờ hết. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội là “cuộc chiến đấu khổng lồ” để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện cho kỳ được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, làm cho dân ta có đời sống vật chất đầy đủ, đời sống tinh thần phong phú. Công cuộc ấy rất vĩ đại và cũng rất khó khăn, nhưng với một Đảng Cộng sản cầm quyền và hệ thống chính trị thường xuyên được xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì nhất định thành công.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 622.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Sđd, tập 10, tr. 584.
[3] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 215.
[4] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr. 314.
[5] Nguyễn Phú Trọng (2023), Sđd, tr. 319 - 320.
[8] Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-08-qditw-ngay-25102018-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-truoc-het-la-4811
Hồng Tâm