Vấn đề di dân các dân tộc thiểu số
Trong 35 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều loại hình di dân mới ngoài các hình thái di dân truyền thống (như di dân nội địa, di dân ra nước ngoài, di dân có tổ chức, di dân tự do, tự phát...), đó là các hình thức di dân ngoại vùng, ngoại tỉnh, di dân nội vùng, nội tỉnh, hình thức di dân con lắc, di dân tạm thời (loại hình di dân này hiện đang diễn ra phổ biến trong hình thái di dân nông thôn - đô thị).
Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề di dân trước năm 1986 chủ yếu nhằm mục đích phân bố lại quy mô dân cư một cách hợp lý giữa các vùng, giữa các địa phương. Trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, loại hình di dân chủ yếu là di dân theo kế hoạch, có tổ chức. Nhà nước tổ chức di dân từ các vùng có mật độ dân cư cao tới các vùng, địa bàn có mật độ dân cư thấp, thưa thớt. Những vùng có mật độ dân cư thấp chủ yếu là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi và biên giới. Chính sách di dân này đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Từ năm 1986 đến nay, chính sách về di dân liên tục được đổi mới cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường. Di dân bao gồm cả di dân lao động tự do giữa các địa phương, các vùng và vượt ra cả ngoài biên giới quốc gia là các hiện tượng xã hội phổ biến và tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy, xu hướng quy mô di dân theo kế hoạch ngày càng giảm và quy mô di dân tự do ngày càng tăng.
Ngôi nhà tạm của một gia đình vừa di cư vào sinh sống ở thôn 14, xã Cư K’Bang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Internet.
Việc rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá ở Tây Nguyên là một vấn đề kinh tế-xã hội có nguyên nhân cơ bản từ luồng di cư tự do của một bộ phân dân cư tới Tây Nguyên để cư trú lâu dài, trong đó bao gồm cả dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Cần xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt luồng di cư tự do này.
Đặc biệt, hiện tượng di dân lao động là người dân tộc thiểu qua biên giới ngày càng nhiều ở các tỉnh phía Bắc trong những năm gần đây cũng là một vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm giải quyết nhằm hạn chế luồng di cư lao động tự do qua biên giới.
Xu hướng chung của các dòng di dân nội địa là tập trung về các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Đáng lưu ý là loại hình di dân lao động - một trong những loại hình di dân khá mới, khá phổ biến hiện nay - vừa diễn ra trong phạm vi di dân nội địa, vừa diễn ra trong phạm vi di dân xuyên biên giới, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Luồng di cư lao động tự do, bao gồm cả dân tộc thiểu số, từ các vùng nông thôn về đô thị đang ngày càng tăng lên. Luồng di cư nông thôn - đô thị trong 35 năm đổi mới vừa qua là một yếu tố quan trọng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy vậy, ở một số đô thị, quy mô lớn những người di cư có thể làm quá tải các dịch vụ xã hội về y tế hay giáo dục. Đây là những vấn đề đặt ra đối với chính quyền địa phương cần giải quyết trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chính sách hạn chế di dân tự do/tự phát
Quá trình di dân tự do/tự phát của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu liên quan tới luồng di dân nông thôn-nông thôn giữa các tỉnh và giữa các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Các dòng di cư đó là nguyên nhân trực tiếp của các hiện tượng lấn chiếm đất rừng, phá hoại diện tích rừng tự nhiên ở các địa bàn có người di cư đến, cũng như gây mật ổn định trật tự, an ninh xã hội cho những địa phương có người di cư tự do/tự phát.
Trên thực tế, công tác di dân theo kế hoạch không đáp ứng được sức ép di dân và nhu cầu đất đai của các hộ gia đình nông thôn, nên đã dẫn đến tình trạng di dân tự do gia tăng về quy mô và số lượng.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 660/TTg ngày 17/10/1995 giải quyết vấn đề di dân tự do nhằm tổ chức, sắp xếp và di chuyển số dân tự do đã đến vào những vùng quy định, thậm chí áp dụng một số biện pháp cưỡng chế buộc người di dân tự do quay về quê hương. Mặc dù Chính phủ yêu cầu các tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ đối với dân cư và kiên quyết xử lý đối với người di dân đến phá rừng, lấn chiếm đất và buôn bán đất bất hợp pháp, song kết quả thực hiện của chính sách hạn chế di dân tự do này không như mong muốn. Hầu hết người dân tìm cách quay lại nơi định cư hoặc chuyển đến địa bàn sâu hơn, các khu vực ở rừng đầu nguồn để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Di dân tự do gia tăng về quy mô và số lượng gây áp lực cho các địa phương
Trong giai đoạn những năm 1990 trở về trước, chính sách định canh, định cư của Nhà nước ta đã có những tác động nhất định tới việc làm hạn chế di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các luồng di dân nông thôn - nông thôn. Các chính sách này góp phần ổn định phân bố dân cư ở các vùng trung du và miền núi, qua đó thực hiện ổn định tình hình trật tự, an ninh xã hội của các địa phương. Chính sách hạn chế di dân tự do/tự phát này là phù hợp và rất cần thiết nhằm bảo đảm ổn định và trật tự xã hội đối với các địa phương, bao gồm cả nơi đi và nơi đến của những người di dân.
Chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho di dân
Diễn biến di dân nói chung và di dân các dân tộc thiểu số ở nước ta từ năm 1986 đến nay chịu tác động của cơ chế kinh tế thị trường. Những quy định mới về cư trú từng bước được thực hiện nhằm tạo điều kiện di chuyển, đi lại ngày càng thuận lợi hơn cho người lao động, qua đó có thể đáp ứng nhu cầu cung ứng kịp thời nguồn nhân lực cho các khu vực đô thị, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Trong vận hành nền kinh tế thị trường, các yếu tố thị trường sẽ tham gia điều tiết nền kinh tế, đặc biệt là đối với các khu vực kinh tế phi chính thức. Các yếu tố về quản lý hành chính, đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ngày càng giảm để nhường chỗ cho các yếu tố thị trường. Vì vậy, có thể giải thích tại sao quy mô di dân theo kế hoạch đối với dân tộc thiểu số có xu hướng ngày càng giảm và hiện nay chiếm tỷ trọng không đáng kể so với tỷ trọng số người di dân tự do trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, việc phát triển nền kinh tế thị trường luôn gắn liền với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, việc di chuyển dễ dàng của các luồng di dân lao động không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Việc di chuyển của người di dân lao động qua lại biên giới giữa các nước cũng ngày càng thuận lợi, dễ dàng hơn. Điều này góp phần giải thích tại sao trong những năm gần đây có hàng trăm ngàn người lao động dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua bên kia biên giới Trung Quốc tìm việc làm và cơ hội cải thiện thu nhập.
Các chính sách liên quan đến cư trú và quản lý hộ khẩu là những chính sách có ảnh hưởng tới việc cản trở di dân, bao gồm di dân dân tộc thiểu số. Những năm 1990 trở về trước, các chính sách này có tác động nhất định tới việc hạn chế cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở của những người di cư.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ đầu những năm 2000 đến nay, các chính sách nêu trên đã từng bước được điều chỉnh và sửa đổi theo hướng bảo đảm quyền con người ngày một tốt hơn. Các quy định dẫn tới việc không công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở giữa những người di cư và không di cư đã dần được bãi bỏ.
Hà Linh