Chính phủ điện tử
Cho đến trước những năm 2000, các dịch vụ công vẫn được chính quyền trực tiếp phục vụ người dân thông qua hệ thống hành chính, các đơn vị sự nghiệp và đội ngũ nhân viên công quyền. Tuy nhiên, sự phát triển của các thiết bị công nghệ điện tử và mạng internet trong hơn hai thập kỷ qua đã tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng liên quan đến hình thức giao tiếp giữa chính quyền và người dân. Hiện nay, người dân hay doanh nghiệp không nhất thiết phải trực tiếp đến các trụ sở công quyền với những bộ hồ sơ để đề nghị chính quyền giải quyết các yêu cầu công việc. Thay vào đó, cá nhân hay tổ chức đều có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để gửi yêu cầu đến các cơ quan chính quyền và đợi nhận kết quả. Thực tế này dẫn đến sự hình thành khái niệm “chính phủ điện tử” (digital government hoặc E-government).
Về bản chất, chính quyền điện tử là việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông có kết nối internet để điều hành, thực hiện các hoạt động trong nội bộ hệ thống các cơ quan công quyền, cũng như cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, và các tổ chức xã hội. Điển hình cho các hoạt động đó là tổ chức họp, hội nghị, hội thảo trực tuyến; khai báo hồ sơ hoặc nộp thuế doanh nghiệp thông qua các phần mềm điện tử được cung cấp bởi chính quyền.
Việc áp dụng mô hình chính quyền điện tử đã thay đổi phương thức tương tác giữa người dân và chính quyền: từ trực tiếp (các tương tác mặt đối mặt) sang gián tiếp (giao tiếp trực tuyến, thông qua các thiết bị điện tử). Ưu điểm rõ rệt nhất của chính quyền điện tử là giảm chi phí, tiện lợi, minh bạch, và gia tăng mức độ tham gia của người dân vào các hoạt động quản trị công.
Tại Việt Nam, các hoạt động xây dựng chính quyền điện tử đã được tiến hành từ năm 2015. Năm 2018, Ủy ban quốc gia về chính quyền điện tử được thành lập. Những năm qua, chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm chuyển một phần các hoạt động quản lý hành chính và dịch vụ công sang hình thức trực tuyến.
Tính đến năm 2019, công cuộc xây dựng chính quyền điện tử của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.
Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Hiện đã có 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Sự lây lan của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu không chỉ làm xáo trộn và thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn là một phép thử năng lực công nghệ số, và mở ra cơ hội thúc đẩy chính quyền điện tử ở Việt Nam.
Tình huống bất thường và năng lực chính quyền điện tử của Việt Nam
Cũng giống như tại nhiều nước, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến hệ thống quản trị công của Việt Nam phải đối diện với một tình huống bất thường: vẫn phải bảo đảm các hoạt động quản trị xã hội trong khi tuân thủ nghiêm túc quy định về giãn cách xã hội.
Thời gian giãn cách xã hội đã cho thấy một nét mới là người dân không cần phải trực tiếp đến các trung tâm hành chính công nhưng vẫn có thể giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan công quyền. Nhiều hội nghị, hội thảo, công tác điều hành quản lý nhà nước được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt ấn tượng là công tác điều hành của Ủy ban quốc gia phòng chống dịch cúm đã được thực hiện trực tuyến và tường thuật hàng ngày đến với người dân.
Dịch bệnh Covid-19 cũng khiến các bộ, ngành, trường học, công sở… nhanh chóng chuyển sang hình thức giao tiếp trực tuyến. Tại bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu tháng 3 năm 2020, hầu hết các cuộc họp chỉ đạo điều hành, làm việc với các địa phương đã được chuyển sang hình thức trực tuyến. Các vấn đề nóng của ngành đều được Bộ trưởng, các Thứ trưởng chủ trì và chỉ đạo thông qua các thiết bị kết nối internet, bảo đảm sự liên tục và thông suốt cho các hoạt động quản lý nhà nước. Không chỉ trong các đơn vị trực thuộc Bộ, mà các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường với các địa phương cũng đồng thời được chuyển sang hình thức mới. Theo Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính tới tháng 4/2020, Bộ này đã có 116 thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Dự kiến trong tháng 5/2020, bộ sẽ cung cấp thêm 22 dịch vụ công mức độ 4.
Các hội nghị, hội thảo, cuộc họp trực tuyến được triển khai thực hiện trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Chính phủ cũng đã xây dựng các dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cụ thể, có năm loại dịch vụ công trực tuyến nhằmhỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được xây dựng và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, bao gồm: (i) Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp; (ii) Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; (iii) Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; (iv) Tạm dừng đóng tiền vào quỹ hưu trí và tử tuất; và (v) Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh những thách thức, quãng thời gian giãn cách xã hội cũng đã cho thấy rõ hơn năng lực công nghệ số của Việt Nam. Do phải giảm thiểu các giao tiếp trực tiếp, chính quyền điện tử trở thành lựa chọn tất yếu cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam trong suốt thời gian hơn ba tháng qua. Giao tiếp gián tiếp giữa chính quyền và người dân không chỉ bảo đảm các quy định phòng chống dịch, mà còn cho thấy hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm cả về thời gian và tài chính.
Không chỉ tiện lợi trong việc chỉ đạo điều hành, nhiều người dân, doanh nhiệp, thậm chí là các cơ quan hành chính tại vùng sâu, vùng xa cũng đã tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, những thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và nhân viên công quyền được củng cố hơn.
Bởi vậy, có thể nói, đại dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền điện tử ở Việt Nam. Quãng thời gian giãn cách xã hội cho thấy, việc chuyển sang mô hình chính quyền điện tử được thực hiện khá thuận lợi, được nhân dân ủng hộ. Thực tế này khẳng định việc xây dựng chính quyền điện tử là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 phát lộ cơ hội để thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền điện tử ở Việt Nam, song trên thực tế, khả năng hiện thực hóa cơ hội đó còn phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi ngành, địa phương.
Thuận lợi, thách thức, và định hướng chính sách xây dựng chính quyền điện tử
Bên cạnh những chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, một thuận lợi dễ thấy nhất cho tiến trình xây dựng chính quyền điện tử là Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet và sử dụng mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế - văn hóa - xã hội ở Việt Nam.
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã có hơn 60 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet và có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, thuộc nhóm nước có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Đây chính là cơ sở để tin rằng việc phát triển chính phủ điện tử sẽ thuận lợi nếu chính quyền cung cấp nhiều hơn nữa các loại dịch vụ công trực tuyến, đồng thời bảo đảm chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ công trực tuyến.
Bối cảnh một nước đang phát triển cũng tạo ra những thách thức cho việc xây dựng chính quyền điện tử. Chẳng hạn, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tại các địa phương, vốn vẫn quen với các phương thức giao tiếp và xử lý công việc truyền thống sẽ không dễ dàng thích nghi ngay được với hình thức giao tiếp và xử lý công việc trực tuyến. Quá trình thay đổi thói quen cá nhân và cả cơ quan công quyền là một tiến trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian.
Khoảng cách về hạ tầng công nghệ giữa các khu vực nông thôn và đô thị là thách thức đối với quá trình xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh: Internet
Thêm nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ cũng có khoảng cách giữa các khu vực nông thôn và đô thị. Những địa phương còn hạn chế về hạ tầng công nghệ sẽ không chỉ khiến người dân khó tiếp cận các dịch vụ được cung cấp bởi chính quyền điện tử, mà còn trở thành lực cản cho các nỗ lực phát triển chính quyền điện tử.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho các kế hoạch phát triển chính quyền điện tử ở Việt Nam không đơn giản chỉ là điều kiện hạ tầng công nghệ hay việc thay đổi thói quen hành vi của cả người dân và nhân viên công quyền. Thay vào đó, những thách thức lớn nhất cũng lại bắt nguồn từ chính những lợi ích rõ ràng của chính phủ điện tử (chẳng hạn như: công khai, minh bạch, giảm chi phí). Bởi một lẽ đơn giản, gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng chính là quá trình làm giảm quyền lực và lợi ích của các cơ quan cũng như nhân viên công quyền. Cần khách quan thấy rằng, đây chính là trở ngại hàng đầu phải vượt qua để có được một chính quyền điện tử tiệm cận với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Cũng bởi vậy, hoàn thiện thể chế pháp lý xây dựng chính quyền điện tử phải là ưu tiên chính sách hàng đầu. Để có hệ thống chính quyền điện tử rộng khắp cả nước, các địa phương cần sự hướng dẫn chi tiết về quy trình, cách thức, nguyên tắc xây dựng và tổ chức chính quyền điện tử. Tiếp đến, chính quyền các cấp phải có sự đầu tư cơ sở dữ liệu và hạ tầng về công nghệ nhằm tạo thuận lợi nhất có thể cho việc cung cấp đa dạng các dịch vụ công trực tuyến.
Để bảo đảm an ninh quốc gia và tạo sự yên tâm cho người dân cũng như doanh nghiệp, các chính sách bảo đảm an ninh mạng và cơ sở dữ liệu phải đặc biệt được coi trọng. Đi cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để giúp người dân nhanh chóng nhận ra những lợi ích của chính quyền điện tử.
Thực tế cũng cho thấy, để hiện thực hóa được cơ hội phát triển chính quyền điện tử thì không chỉ trông chờ vào tính tự giác của nhân viên công quyền, hay tuyên truyền vận động người dân. Bên cạnh sự sẵn sàng về thể chế pháp lý, hạ tầng công nghệ, hay sự bảo mật thông tin, nhà nước cần ban hành những chính sách cải cách hành chính quyết liệt hơn nữa để chuyển hẳn một số hoạt động của chính quyền sang hình thức giao tiếp trực tuyến.
Khi một loại dịch vụ công nào đó không tồn tại song song cả hai hình thức giao tiếp thì người dân sẽ buộc phải thích ứng nhanh hơn với mô hình chính quyền điện tử.
Minh Hoàng