Bài viết tập trung vào hai vụ việc gần đây nhất, đó là vụ việc “cái chết” của quân nhân Trần Đức Đô và chuyện các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tình nguyện tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vụ việc thứ nhất là việc quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2002 (quê Bắc Ninh), tử vong tại trường Quân sự Quân khu I. Chúng ta đều hiểu rằng sự ra đi của một chàng trai tuổi đời 19 - 20 là vô cùng đau xót và là nỗi mất mát không gì có thể bù đắp được đối với gia đình và người thân của em. Nhưng chính những đối tượng cơ hội, thù địch, chống đối đang lợi dụng cái chết của em để nhằm thực hiện những mục đích xấu xa của chúng mới thực sự đáng lên án.
Ngay từ khi sự việc chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng về nguyên nhân tử vong của quân nhân đó, thì ngay lập tức các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động đã lợi dụng các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội để livestream, đăng tải các bài viết, hình ảnh về khám nghiệm tử thi, cảnh tang thương của gia đình em Đô, kèm theo những bình luận xuyên tạc, bịa đặt thông tin cho rằng, chỉ huy đơn vị đã thông tin sai lệch cái chết của quân nhân. Chúng tự ý quy chụp, cho rằng, thực chất quân nhân đó chết là do bị cấp trên và đồng đội đánh đập dã man theo kiểu ma cũ bắt nạt ma mới. Từ đó, chúng tạo dư luận xấu khiến cho người dân hiểu sai lệch bản chất của sự việc, đồng thời chúng tuyên truyền, kích động gây mâu thuẫn trong nội bộ lực lượng quân đội, giữa lực lượng quân đội với nhân dân, gây hoang mang trong nhân dân, nhất là đối với số nam thanh niên đang sắp đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự và kích động người dân không tin Đảng, Nhà nước và không cho con em mình gia nhập quân đội.
Nội dung liên quan vụ việc quân nhân Đô tử vong thu hút nhiều bình luận trái chiều, vô căn cứ trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
Ngay cả khi các cơ quan chức năng đã công bố kết luận chính thức về vụ việc, chúng vẫn tiếp tục hèn hạ ra sức bóp méo sự thật nhằm hạ uy tín của các cơ quan chức năng và sự tôn nghiêm của luật pháp. Đáng lên án là chúng đã phá hoại, bôi nhọ hình ảnh của anh bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “gắn bó máu thịt” vô cùng tốt đẹp “quân với dân như cá với nước” đã được xây dựng, củng cố bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ dân tộc Việt Nam.
Vụ việc điển hình thứ ha là, trong khi cả nước đang gồng mình lên để chống dịch Covid - 19, toàn dân tộc Việt Nam hơn lúc nào hết đã phát huy tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Với tinh thần đó, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã tổ chức lễ ra quân cho 319 cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường tình nguyện lên đường "chi viện", cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Trong số đó có nhiều sinh viên vừa trải qua thời gian hỗ trợ tại tỉnh Bắc Giang.
Cần hiểu rằng, việc sinh viên tình nguyện cùng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tham gia triển khai nhiệm vụ theo sự phát động, phân công của Bộ Y tế là một nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng và cần nhân điển hình. Vậy mà lợi dụng vào sự điều phối công việc chưa kịp thời bởi chuyến “hành quân” xa, đoàn công tác đến địa điểm thực hiện nhiệm vụ muộn so với kế hoạch, các thế lực phản động, thù địch đã lợi dụng vào đó để nhào nặn thông tin, gây nhiễu loạn thông tin, kích động những phần tử xấu, thậm chí lôi kéo cả những người có tầm ảnh hưởng cũng a dua kích động làm phức tạp tình hình, từ việc đề cao văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đến kích động chia rẽ trong phân biệt văn hóa vùng miền.
Vậy, nguyên nhân của những sự việc kể trên do đâu?
Thứ nhất, âm mưu của các thế lực thù địch là luôn tìm cách lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh trật tự, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, sơ hở trong quản lý, điều hành, thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp, các vụ án liên quan đến kinh tế và cán bộ cấp cao,... rồi xuyên tạc sự thật, thổi phồng thiếu sót, khuyết điểm; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất. Các thông tin được chúng nhào nặn rất tinh vi, thật - giả, tốt - xấu lẫn lộn, khó nhận diện, trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Thứ hai, từ sự hạn chế trong công tác quản lý thông tin truyền thông, sơ hở trong quản lý internet và mạng xã hội; chậm trễ, bị động trong công tác tuyên truyền, phản bác và xử lý các luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội của các cơ quan báo chí, tuyên giáo và cơ quan thông tin - truyền thông các cấp cũng như các lực lượng chuyên trách trong thực thi nhiệm vụ. Nếu chúng ta chú ý một chút sẽ dễ dàng nhận diện được bản chất phản động của nhóm người cơ hội, thù địch: những hình ảnh tụ tập đông người, reo hò, vỗ tay, cổ súy cho những lời nói kích động trong khung cảnh gia đình tang gia bối rối; hay sự kỳ thị, miệt thị, phân biệt văn hóa vùng miền, dân tộc thông qua việc đánh tráo khái niệm “Sài Gòn”, “Người Sài Gòn” hay người “Bắc kỳ”… Đó chính là cách thức để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu, ý đồ chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, do nhận thức hạn chế của bộ phận cư dân mạng, chỉ quan tâm đọc và xem những bài báo, video giật tít, câu like và nhấn nút share một cách dễ dãi cho dù thực sự họ chưa hiểu bản chất của vấn đề, sự việc. Điều đó cũng thể hiện sự thiếu hụt về kiến thức pháp luật và ý thức chính trị cũng như trách nhiệm của người công dân đối với những vấn đề của xã hội.
Qua các sự việc trên cho thấy vấn đề định hướng thông tin trong tình hình hiện nay đang được đặt ra hết sức bức thiết nhằm góp phần bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng cũng như hạn chế những tác động từ những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Muốn vậy, cần thực hiện có hiệu quả các nội dungcơ bản sau:
Một là, cần nghiên cứu, xây dựng chương trình và phương thức giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trên diện rộng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, qua đó giúp cho mỗi công dân trở thành một người “chiến sỹ” khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với những phát ngôn, những đánh giá của mình, nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc.
Hai là, đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước theo hướng tận dụng lợi thế của mạng Internet. Các cơ quan truyền thông cần phải đổi mới tư duy một cách thực sự, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất để cải cách cơ chế đưa tin, truyền tin bảo đảm tốc độ tối đa để tiếp cận tới đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng nhất, giành lợi thế trong thị trường thông tin. Vì nếu chúng ta tiếp tục xử lý thông tin theo cơ chế cũ, cách làm cũ như hiện nay thì sẽ khiến cho các thông tin chính thống luôn đi sau một bước mà theo cơ chế tâm lý của con người thì những thông tin mới luôn là những thông tin có sức hấp dẫn và thường ăn sâu vào tiềm thức rất khó xóa bỏ.
Ba là, nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị chuyên trách trong việc định hướng, chủ động, kiểm soát và xử lý thông tin xấu độc. Việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng ở mọi cấp là vô cùng cần thiết nhằm phát huy tối đa sức mạnh, ưu thế của tất cả các lực lượng, các nội dung, các phương thức. Tuy nhiên, tuyệt đối tránh tình trạng chồng chéo, trùng dẫm, “cha chung không ai khóc” dẫn đến không hiệu quả. Cần phải có sự phân công,phân cấp và có cơ chế phối hợp rõ ràng với đơn vị chủ trì, lực lượng nòng cốt và các đơn vị phối hợp.
Bốn là, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các tài khoản, trang mạng xã hội, kênh thông tin của các thế lực thù địch. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát, theo dõi, lập danh sách các kênh thông tin, tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan thuộc Chính phủ; giả mạo lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và tiến hành bóc gỡ, vô hiệu hóa các tài khoản này. Đồng thời, tăng cường đấu tranh, phản bác “bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc”của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm truyền bá các thông tin tích cực, pha loãng, làm phân tán các luồng thông tin sai lệch, khẩn trương loại bỏ, triệt tiêu các thông tin xấu độc, không để phát tán trên diện rộng.
Anh Tuấn