Từ truyền thống lịch sử và tiềm năng, lợi thế về biển, đảo…
Việt Nam là quốc gia biển nằm dọc theo Biển Đông có lịch sử, truyền thống, văn hóa gắn liền với biển, đảo. Ngay từ buổi sơ khai của dân tộc, biển đảo đã là môi trường, không gian sinh tồn, làm ăn, sinh sống của các bộ lạc người Việt cổ qua truyền thuyết/huyền sử Lạc Long Quân - Âu Cơ: 50 người con theo Mẹ lên rừng, 50 người con theo Cha xuống biển. Thời Hùng Vương dựng nước, các bộ tộc Việt đã tiến ra biển khơi để đánh bắt hải sản, đồi mồi, ngọc trai. Lấn biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước là nét độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam.Các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử luôn có tầm nhìn hướng biển, tiến ra biển, xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của đất nước.
Bản đồ bờ biển Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do người Hà Lan vẽ năm 1754.
Truyền thống bám biển, giữ biển, khai thác kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển của dân tộc Việt Nam được trao truyền, nối tiếp, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác trong dòng chảy lịch sử. Hơn 500 năm trước, nhà tư tưởng, văn hóa lớn của dân tộc Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã truyền dặn tinh thần, ý chí, quyết tâm: “Vạn lý Đông minh quy bả ác. Ức niên Nam cực điện long bình” (Biển Đông vạn dặm dang tay nắm vững, Đất Việt muôn năm vững trị bình)[1].
Giáp với Biển Đông ở hướng Đông, Nam và Tây Nam, Việt Nam là quốc gia có chỉ số tính biển cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với hơn 3.260 km đường bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), bình quân 100 km² diện tích đất liền, Việt Nam có 1 km chiều dài bờ biển (trong khi đó, tỷ lệ trung bình trên thế giới là 600 km²/1 km). “Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”[2]. Với diện tích hơn 1 triệu km², vùng biển đảo của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm giữa Biển Đông là nguồn tài nguyên chiến lược, nguồn lực to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
… Đến mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng
Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của biển đảo đối với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về biển, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh từ biển, “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”[3]. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”[4].
Với diện tích hơn 1 triệu km², vùng biển đảo của Việt Nam là nguồn tài nguyên chiến lược, nguồn lực to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêutrở thành quốc gia biển mạnh, cần chú ý một số định hướng cơ bản:
Thứ nhất, các tỉnh, thành phố ven biển phải xác định tầm nhìn, khát vọng, tư duy và định hướng, huy động, tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế biển. Tập trung phát triển kinh tế biển với cơ cấu hiện đại, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng, miền. Phát triển kinh tế biển trong sự liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong nước, khu vực và quốc tế.
Thứ hai, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với chủ động thích ứng với tác động nhiều chiều của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; gắn với yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Thứ ba, phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ biển và nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Chuyển kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên sang kinh tế biển dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ biển. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ biển; áp dụng luật pháp quốc tế quy định tại UNCLOS 1982.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao mức sống người dân vùng biển; bảo vệ môi trường sinh thái biển; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá biển.
Thứ năm, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xây dựng chiến lược dài hạn, tổng thể về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế biển; thực hiện quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, đảo.
Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh, gắn với yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp trên biển là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Quốc gia biển Việt Nam chỉ thật sự hùng mạnh khi chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; đời sống của người dân được nâng cao; các giá trị, bản sắc văn hóa biển đảo được bảo tồn, phát huy; hình thành một xã hội hướng biển; tài nguyên, môi trường biển được bảo vệ và khai thác bền vững; vị thế và ảnh hưởng quốc gia biển được nâng cao trong khu vực và trên thế giới.
Vạn Lý