Dịch bệnh Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Cho đến những ngày cuối tháng 12/2021, thế giới đã có hơn 280 triệu người nhiễm bệnh, và hơn 5 triệu người đã tử vong. Ở Việt Nam, đợt dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 04/2021 đang ngày càng trở nên phức tạp và khó lường khi đã lan ra tất cả các tỉnh, thànhphố. Nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là những tỉnh thành phía Nam hệ thống y tế phải chịu những áp lực rất lớn khi dịch bệnh đã tấn công vào các khu công nghiệp, trái tim của nền kinh tế. Bên cạnh đe dọa nghiêm trọng an toàn và sức khỏe của nhân dân, dịch Covid-19 đã làm xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập rơi vào tình trạng hết sức bấp bênh.
Nhưng chính trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ. Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế để nỗ lực cùng nhau vượt qua và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Trong trận chiến chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sự hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Qua đó, cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao của những quyết sách của Đảng và Chính phủ, của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, của toàn dân và những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”[1]. Lời hiệu triệu sâu sắc đã nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong trận chiến chống dịch bệnh, mỗi người dân Việt Nam đã thực sự trở thành một chiến sĩ trên mọi mặt trận phòng, chống Covid-19. Đã xuất hiện những chiến sĩ áo xanh ngời sáng phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, những y bác sỹ - chiến sĩ áo trắng căng mình ở tuyến đầu của trận chiến chống virus SARS-CoV-2... Chúng ta có những người dân bình dị mà cao quý với những nghĩa cử đẹp, hành vi đẹp, lời nói đẹp. Chúng ta chia sẻ cho nhau niềm yêu thương, sự cảm thông, nỗi lo lắng và tri thức, hiểu biết về dịch bệnh. Chúng ta ủng hộ, lan tỏa điều tốt và đấu tranh với những hành vi thiếu trung thực trong khai báo, thiếu trách nhiệm trong giao tế, tiếp xúc xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng kiên quyết lên án những kẻ tung tin giả, tin đồn, gây hoang mang và những kẻ đang ra sức lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Chúng đang ngồi nhặt nhạnh, lắp ghép, tô vẽ những kịch bản tin tức giả mạo để hòng chia rẽ khối đoàn kết mà chúng ta đang vun đắp. Chúng muốn Đảng ta suy yếu, Nhà nước ta suy yếu, đồng nghĩa với việc nhân dân ta mất đi niềm tin. Đoàn kết được nhắc đến nhiều lần, không phải là mỹ từ để hô khẩu hiệu, mà đoàn kết là thực tế hiển hiện sinh động và là yêu cầu gắt gao của thời cuộc.
Đoàn kết là sức mạnh. Vậy sức mạnh đoàn kết từ đâu ra? Người Việt hiểu sức mạnh của mình từ đâu đến, bởi vì chúng ta có truyền thống, có lịch sử, có văn hóa và văn hiến làm điểm tựa, chúng ta có sự bền bỉ, kiên tâm vượt qua nghịch cảnh. Dân tộc Việt Nam đã trải qua chiến tranh, chiến thắng nhân tai, địch họa, thiên tai, dịch bệnh... Bài học của lịch sử để lại và di truyền trong máu chúng ta là tính cố kết cộng đồng được nâng lên thành đoàn kết. Mỗi khi gặp khó khăn thì truyền thống yêu nước, nhân nghĩa lại được lan tỏa, bồi đắp.
Tất nhiên, trong thời đại ngày nay, đoàn kết phải được củng cố vững bền thêm ở những hình thái khác. Đó là ý thức công dân, là trách nhiệm xã hội, là kỷ luật, tự giác, là đồng lòng vì cái chung và cũng vì mối an nguy của riêng mỗi người. Mỗi người dân góp phần việc của mình, chia sẻ điều kiện của mình là đoàn kết. Rửa tay thường xuyên, tập thể dục, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, cập nhật thường xuyên thông tin, nhắc nhở người thân, gia đình biện pháp phòng dịch... là đoàn kết, là yêu nước. Đoàn kết chính là cách thức mà quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh. Những chuẩn mực xã hội đang được thiết lập, sự tôn trọng dành cho những cá nhân biết tôn trọng quy tắc, kỷ luật và biết cách bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ cộng đồng. Nghịch lý thay nhưng lại rất hợp lý, những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong trận chiến này như “tự cách ly”, “giãn cách xã hội”, phong toả... là biểu hiện quan trọng của đoàn kết xã hội, của thái độ dũng cảm, biết hy sinh và hành động văn minh, kỷ luật, trách nhiệm.
Nhớ lại câu chuyện, tháng 4/1959, đến thăm các kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, với chiếc đồng hồ quả quýt lấy ra từ túi áo, Bác Hồ nói, cái đồng hồ có nhiều bộ phận có chức năng làm việc riêng, nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Để tạo nên mối nối thật sự vững chắc thì mỗi người là một mắt xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, phát huy khả năng, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc chiến chống Covid-19 có thể còn lâu dài và phức tạp, để vượt qua và chiến thắng, chỉ có thể đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận, mới có thể biến nguy thành cơ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ dạy: “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”[2].
Hiện nay, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số ca nhiễm vẫn tăng cao, nhưng sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân chắc chắn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường mới, “góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta”[3].
Quang Minh