Có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, trong đó, Tây Nam Bộ là vùng đa dạng tôn giáo bậc nhất cả nước. Từ buổi khai hoang mở cõi hơn 300 năm qua đến nay, cư dân nơi đây tiếp nhận những tôn giáo từ nhiều vùng miền trong nước truyền đến, từ nhiều nước trên thế giới truyền vào và bản thân người dân Tây Nam Bộ cũng tự lập ra nhiều tôn giáo mới mang sắc thái bản địa.
Miền Tây Nam Bộ gồm có 12 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) và 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ). Đây là vùng đất đa dân tộc, đa tôn giáo. Là địa bàn chiến lược trọng yếu, nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm; sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong phát triển chung của cả nước, trong đó, đoàn kết tôn giáo là một động lực lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Mười bốn tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều có mặt tại vùng đất này, từ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, đến Hồi giáo v.v.. Nhiều tôn giáo bản địa được hình thành vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, hiện tượng các Ông Đạo v.v.. và xu hướng hiện nay vẫn đang có những “tôn giáo mới” ra đời. Ở đây dung hòa mọi tôn giáo nội sinh cũng như ngoại nhập.
Mỗi tôn giáo trong vùng đều có gốc rễ sâu xa từ sự hình thành vùng sông nước Tây Nam Bộ, từ khi còn là bãi lầy hoang vu, rừng rậm bát ngát, thú dữ đe dọa những bóng người thưa thớt mới đặt chân, cho đến khi có dân cư đông đúc, đồng ruộng phì nhiêu, sản vật dồi dào.
Trước đây, trong các vùng giặc chiếm đóng tại Tây Nam Bộ, kẻ địch thường lợi dụng tôn giáo kích động hằn thù, chia rẽ dân tộc nên đã xảy ra một số cuộc bài xích lẫn nhau giữa một số tôn giáo. Tuy nhiên, với chủ trương dân vận phù hợp, các cấp ủy đảng đã vận động đồng bào các tôn giáo đoàn kết, phá tan âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ thù, cùng nhau chống giặc ngoại xâm, góp phần hoàn thành sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong khi nhiều nơi trên thế giới, giữa những tôn giáo thường đấu tranh lẫn nhau để giành ưu thế, giành sức ảnh hưởng trong xã hội, trong dân cư cho tôn giáo mình, thì ở miền Tây Nam Bộ nước ta, các tôn giáo tín ngưỡng rất mực đoàn kết, tôn trọng nhau, thống nhất trong đa dạng, cùng hành đạo theo giáo lý và đức tin riêng.
Trên vùng đất này nhiều tổ chức giáo hội cùng tồn tại, các lễ nghi tôn giáo khá phong phú và luôn có sự giao lưu, tiếp biến và hỗn dung tôn giáo. Đặc biệt, ở vùng Tây Nam Bộ, nhiều người trong cùng gia đình, dòng họ theo các tôn giáo khác nhau vẫn sống thuận hòa trong đức tin tôn giáo.
Điều này có được là nhờ việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước; sự tôn trọng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng với nhau; ý thức đa nguyên tôn giáo, tín ngưỡng có gốc rễ trong truyền thống văn hóa và đặc biệt là từ tính bao dung, tính mở thoáng của cư dân vùng Tây Nam Bộ.
Các tôn giáo vùng Tây Nam Bộ đã góp phần tạo ra sự cố kết cộng đồng vững chắc, liên hợp hòa hài giữa các thành phần xã hội với nhau, giữa con người với nhau, vượt trên những mâu thuẫn cá biệt, những va chạm cá nhân. Các tôn giáo cũng góp phần giáo dục các thành viên trong cộng đồng sống hài hòa, đoàn kết, có ích và làm lợi cho cộng đồng, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp như chân, thiện, mỹ và đề cao sự sáng tạo của các cá nhân trong cộng đồng.
Hiện nay, trong môi trường chính sách “lương giáo đoàn kết”, nhìn một cách tổng quát, tình hình các tôn giáo vùng Tây Nam Bộ ổn định, các tôn giáo đoàn kết, chung sống hòa bình. Đây là thuận lợi lớn để cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân Tây Nam Bộ đề cao mối quan hệ Đạo và Đời, cùng đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phương châm hành đạo của các tôn giáo đã phản ánh rõ điều đó: Phật giáo nêu cao “Đạo giáo, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Tin Lành: “Sống phúc âm, phụng Thiên Chúa, Phục vụ Tổ quốc”; Cao Đài: “Nước vinh, Đạo sang”; Hòa Hảo: “Phụng đạo yêu Nước, gắn bó với Dân tộc”.
Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, luôn tích cực hưởng ứng các phong trào do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phát động, trong các tôn giáo có Ban đại diện cộng đồng, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước v.v.. luôn nỗ lực, phát huy tốt vai trò cầu nối giữa tín đồ tôn giáo với cấp ủy đảng, chính quyền; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con tín đồ, kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề bất cập.
Đồng bào các tôn giáo luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tôn giáo, tích cực triển khai, đẩy mạnh các cuộc vận động Nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nếp sống mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai lũ lụt ở địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Theo số liệu thống kê năm 2015, 13 tỉnh thành vùng Tây Nam Bộ có 4.750 cơ sở thờ tự. Trong đó, hàng trăm cơ sở thờ tự tôn giáo trên toàn vùng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc, lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; hàng trăm cơ sở tôn giáo được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trong khu vực công nhận là di tích kiến trúc, lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, thành.
Nhiều cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị cao về kiến trúc, điêu khắc. Nhiều thiền viện lớn được xây dựng như Thiền viện Chánh Giác (2012) ở Tiền Giang, Thiền viện Trúc lâm Hộ Quốc (2013) ở Kiên Giang, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (2014) ở Cần Thơ, Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu (2015)...
Hằng trăm lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo chứa đựng các giá trị văn hóa phi vật thể. Đây là tiềm năng thuận lợi để vùng Tây Nam Bộ thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, hình thành các tuyến du lịch tâm linh đặc sắc, đặc biệt vào các dịp diễn ra lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng như lễ hội vía bà chúa Xứ, lễ hội Chol Chnam Thmay, v.v..
Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân vùng Tây Nam Bộ có thể đẩy mạnh khai thác các giá trị của tôn giáo trong phát triển du lịch: đi thăm viếng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng để thưởng ngoạn cảnh quan thanh bình, xa rời thế tục, tham gia vào các hoạt động tại đây như nghe giảng kinh pháp, tọa thiền, ăn chay, làm từ thiện v.v..
Đây là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ và cả nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Sự đa dạng tôn giáo và đoàn kết tôn giáo là nét độc đáo của vùng Tây Nam Bộ. Đây cũng là động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả vùng. Tuy nhiên, một số hiện tượng như khiếu kiện vượt cấp đòi lại nhà, đất tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo trái phép, biến gia thành tự; một số phần tử xấu, cực đoan lợi dụng tôn giáo để truyền đạo trái phép, tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối v.v.. vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Do đó, cấp ủy, chính quyền, đồng bào các tôn giáo cần tăng cường đoàn kết hơn nữa nhằm xóa bỏ các hiện tượng nêu trên, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.
Khải Hoàng