Làn sóng phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký[1].
Từ trước khi có quy định cụ thể về doanh nghiệp xã hội tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam tồn tại dưới hình thức chủ yếu là các hợp tác xã phục vụ nhu cầu của các nhóm yếu thế, các doanh nghiệp xã hội gắn với các tổ chức NGO với nguồn vốn tài trợ chủ yếu từ nước ngoài. Hiện nay, theo Báo cáo nghiên cứu hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, doanh nghiệp xã hội có hình thức rất đa dạng, một số được đăng ký dưới hình thức hoạt động chính thức là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật, một số doanh nghiệp khác được coi như doanh nghiệp tư nhân thông thường, ngoài ra còn có loại hình hợp tác xã và một số hình thức khác.
Một doanh nghiệp xã hội sử dụng lao động là người khuyết tật. Ảnh: Internet.
Một khảo sát của Hội đồng Anh thực hiện năm 2018 cho thấy, khoảng 25% doanh nghiệp xã hội được thành lập trước năm 2008 trong đó một số doanh nghiệp bắt đầu hoạt động từ những năm 1990 và một doanh nghiệp hoạt động vào đầu năm 1978; 31% doanh nghiệp xã hội được thành lập trong giai đoạn 2008 - 2013, đây là thời kỳ kinh tế gặp nhiều khó khăn do kinh tế, tài chính thế giới suy thoái và khủng hoảng; 14% doanh nghiệp xã hội được thành lập trong những năm 2013 - 2015; và 30% doanh nghiệp thành lập sau năm 2015[2].
Như vậy, có thể thấy làn sóng phát triển thứ nhất của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nó thể hiện rõ mối quan hệ ngược giữa tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp xã hội như đã phân tích ở bài trước. Làn sóng phát triển thứ hai là sau khi có những quy định cụ thể của pháp luật cũng như các chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho doanh nghiệp xã hội nói riêng và sự khuyến khích của Chính phủ đối với các công ty khởi nghiệp nói chung.
Hiện nay, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình doanh nghiệp này. Có được điều kiện đó là vì trong quá trình xây dựng những giá trị của xã hội xã hội chủ nghĩa, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vấn đề xã hội; và với định hướng đó, doanh nghiệp xã hội sẽ có nhiều dư địa để phát triển.
Vai trò quan trọng của phụ nữ và thanh niên trong phát triển các doanh nghiệp xã hội
Theo kết quả khảo sát, có tới 58,1% lãnh đạo các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam có độ tuổi từ 25-44 tuổi, 38% là từ 45-64 tuổi, chỉ có 4% trên 65 tuổi[3]. Như vậy có thể thấy, nhận thức về các vấn đề xã hội, khát khao được góp sức giải quyết những vấn đề tồn đọng của xã hội đang được giới trẻ hết sức quan tâm. Theo khảo sát của CIEM trong những năm gần đây, rất nhiều thanh niên sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn USD để tự mở doanh nghiệp xã hội, góp phần đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam có lãnh đạo nữ chiếm 48%, chỉ ít hơn một chút so với lãnh đạo nam (52%). Đây là sự cân bằng đáng chú ý bởi trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung chỉ có 37% lãnh đạo là nữ[4].
Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam có lãnh đạo là phụ nữ chiếm 48%. Ảnh: Internet.
Có thể nói, các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đang tạo không gian cho phụ nữ và thanh niên nắm quyền lãnh đạo, thể hiện và phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Với tinh thần khởi nghiệp và nhận thức ngày càng cao về các vấn đề xã hội, rõ ràng giới trẻ đang là nhân tố quan trọng và tích cực trong phát triển các doanh nghiệp xã hội như là một giải pháp cho phát triển bền vững.
Vẫn còn nhiều khó khăn cho phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát triển, song các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, khung pháp lý và hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, chưa thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia, do đó số lượng doanh nghiệp xã hội đăng ký hoạt động còn hạn chế, sau 6 năm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, số lượng các doanh nghiệp xã hội và chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp xã hội đăng ký hoạt động với cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn còn khá khiêm tốn (140 doanh nghiệp). Trong khi đó, trên thực tế số lượng cá nhân, tổ chức hoạt động giống như một doanh nghiệp xã hội lại lớn hơn rất nhiều.
Thứ hai, các doanh nghiệp xã hội gặp khó khăn về vấn đề tài chính và nhân lực chất lượng cao.
Theo các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, việc tuyển dụng nhân viên có kỹ năng và quản lý tài chính là những thách thức hàng đầu mà họ phải đối mặt. Cũng theo khảo sát của Hội đồng Anh, có tới 40% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc tuyển dụng nhân viên hoặc tình nguyện viên là một rào cản lớn và 35% cho rằng họ thiếu kỹ năng kinh doanh.
Ngoài ra, 35% doanh nghiệp xã hội cho rằng vấn đề tài chính là rào cản lớn đối với tăng trưởng. Trong đó, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư, phạm vi đầu tư hạn chế dành cho họ (44%); các thủ tục và điều khoản phê duyệt là không phù hợp (34%); có người bảo lãnh/tài sản thế chấp (26%); không đủ kiến thức về lĩnh vực doanh nghiệp xã hội (25%); và nhu cầu về lợi nhuận hoặc phí của người cho vay (24%) cũng là vấn đề[5].
Như vậy, ở Việt Nam vị trí và vai trò của doanh nghiệp xã hội đã được ghi nhận, Nhà nước đã bước đầu xây dựng khung khổ pháp lý cho sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy những khó khăn và rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp xã hội là vấn đề hạ tầng pháp luật, chính sách và vấn đề tài chính. Mặc dù vậy, điểm sáng đáng chú ý là sự tham gia nhiệt tình của giới trẻ trong phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội nói riêng. Để phát triển doanh nghiệp xã hội, từ đó phát huy tác dụng tích cực, những giá trị xã hội tốt đẹp mà nó mang lại cần có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan, tăng cường các giải pháp hỗ trợ, và đặc biệt cần nâng cao nhận thức, lan tỏa thông tin tích cực và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư, các nguồn tài trợ và của toàn xã hội.
[1]Quốc Hội, Luật Doanh nghiệp, số 68/2014/QH13, ngày 26 tháng 11 năm 2014, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Luat-Doanh-nghiep-2014-259730.aspx.
[2]British Council, Social Enterprise In Vietnam, 2019, https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/social-enterprise-in-vietnam.pdf.
[3]British Council, Social Enterprise In Vietnam, 2019, https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/social-enterprise-in-vietnam.pdf.
[4]British Council, Social Enterprise In Vietnam, 2019, https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/social-enterprise-in-vietnam.pdf.
[5]British Council, Social Enterprise In Vietnam, 2019, https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/social-enterprise-in-vietnam.pdf.
Hồng Đào