Thứ nhất, vấn đề “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” ở nước ta hiện nay xuất phát từ những lý do: i) Yêu cầu khách quan về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. ii) Yêu cầu của của việc đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh; bởi lẽ việc đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng và Nhà nước phải thống nhất, đồng bộ với đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội) trong sạch, vững mạnh. iii) Từ yêu cầu của đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị; theo đó, đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị không chỉ đòi hỏi đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; mà vấn đề rất quan trọng còn là đổi mới mối quan hệ, cơ chế, chính sách,... giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai, nội dung của “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” bao gồm: i) Tiếp tục chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. ii) Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh. iii) Đổi mới, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh. iv) Đổi mới, xây dựng đồng bộ, toàn bộ hệ thống chính trị như một chỉnh thể thống nhất trong sạch, vững mạnh.
Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Internet
Thứ ba, vấn đề “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” được tiếp cận theo tư duy hệ thống, cụ thể là: i) Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là một chỉnh thể bao gồm các thể chế Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội được phân bổ theo một kết cấu chức năng với các cơ chế vận hành và mối quan hệ giữa các thành tố nhằm thực thi quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở nước ta, hệ thống chính trị là chỉnh thể các thể chế, chức năng và mối quan hệ giữa chúng trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. ii) Hệ thống chính trị là một chỉnh thể, do vậy đổi mới hệ thống chính trị cũng phải được thực hiện như một chỉnh thể; đổi mới một yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị luôn có mối quan hệ biện chứng với đổi mới các yếu tố cấu thành khác còn lại của hệ thống ấy. iii) Đổi mới hệ thống chính trị theo hướng “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” có mối quan hệ biện chứng với đổi mới các hệ thống khác như kinh tế, văn hóa và xã hội,... và là đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị theo hướng của “phát triển bền vững”.
Thứ tư, “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” có vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của nước ta trong bối cảnh hiện nay bở lẽ: i) Xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh vừa là kết quả, vừa là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới nói chung và đổi mới hệ thống chính trị nói riêng. ii) Vấn đề xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh có tầm quan trọng và ý nghĩa đối với công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về công cuộc đổi mới ở Việt Nam. iii) Xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của công cuộc đổi mới ở nước ta, trước hết là trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ năm, để thực hiện nhiệm vụ “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về nhận thức đối với nhiệm vụ “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” như: Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nghị quyết,... (2) Nhóm giải pháp về thể chế gồm: Xây dựng và hoàn thiện các quy định, chế độ chính sách, tổ chức bộ máy,… nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. (3) Nhóm giải pháp về cán bộ, kinh phí, phương tiện và tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.
Như vậy, vấn đề “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, đã thể hiện bước phát triển mới trong quá trình nhận thức của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta.
Một là, từ những quan điểm, giải pháp đổi mới có tính tình thế nhằm giải quyết những tình huống, bộ phận, mắt khâu quan trọng và cần thiết; từ chấn chỉnh, cải tiến, sửa đổi, củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hiệu quả, cải cách một bước, giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt đối với hệ thống chính trị, đã phát triển thành quan điểm đổi mới có tính hệ thống, toàn diện, đồng bộ, cơ bản và lâu dài đối với toàn bộ hệ thống chính trị.
Hai là, từ cách đặt và giải quyết vấn đề cụ thể trong thực tiễn đổi mới hệ thống chính trị đã phát triển thành vấn đề lý luận về “xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh” có tầm chiến lược và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của công cuộc đổi mới.
Ba là, từ những phát triển về nhận thức đã dẫn đến những phát triển (chuyển biến tích cực) về thái độ và hành vi (hoạt động thực tiễn); từ những phát triển trong nhận thức (tư tưởng) đưa đến những chuyển biến trong thể chế (tổ chức bộ máy) và cơ chế (phương thức hoạt động, phối hợp), chính sách và các nguồn lực, nhân lực (cán bộ).
Bốn là, từ những nhận thức còn có lúc có nơi chủ quan, lúng túng và bị động đã đi đến nhận thức một cách chủ động, có hệ thống, khách quan và sáng tạo.
Tuyết Mai