Phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế dưới sự chủ trì của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, tháng 1-2020. Ảnh: Internet.
Phát huy vai trò “đối tác vì hòa bình bền vững”
Tinh thần xuyên suốt trong đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới đã được khẳng định tại các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII (2021) đã nhấn mạnh: “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; nâng cao khả năng thích ứng năng động và linh hoạt xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử tại khu vực, trên tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết”(1).
Trong đối ngoại đa phương, Việt Nam chủ trương “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ ở châu Á - Thái Bình Dương”(2).
Năm 2020 - 2021, với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc Đổi mới; là cơ hội để nắm bắt thông tin, xu thế, qua đó ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ an ninh đối với Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; là cơ hội thể hiện hình ảnh một Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ từ một nước nhiều năm phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trở thành đối tác tin cậy, sẵn sàng tham gia tích cực, có trách nhiệm và là một “đối tác vì hòa bình bền vững” của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - kênh ngoại giao đa phương có vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, là cơ quan duy nhất có quyền hạn đặc biệt đưa ra các quyết định có tính ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo, tạo dấu ấn với cách tiếp cận tổng thể trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Với chủ đề: “Việt Nam - Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam đã thể hiện rõ nét thông điệp mà Việt Nam mang tới Liên hợp quốc hay Hội đồng Bảo an là “yêu chuộng hòa bình”.
Việt Nam cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh:Internet.
Trong hai năm 2020 - 2021, Việt Nam đã tham gia đóng góp thực chất, thiết thực vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, thể hiện qua việc đã tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an ở các khu vực, từ các xung đột ở châu Phi tới khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông, cũng như các vấn đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch Covid-19...
Trong tất cả các hoạt động này, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và giàu tính nhân văn, linh hoạt, cân bằng trong ứng xử, nỗ lực tìm kiếm và tạo dựng đồng thuận, tạo không khí thuận lợi cho trao đổi tại Hội đồng Bảo an. Tại đây, Việt Nam kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp…
Thông qua Liên hợp quốc, Việt Nam tạo ra kênh đối thoại để các nước trên thế giới có thể chia sẻ quan điểm, xây dựng lòng tin và phòng ngừa xung đột. Đặc biệt, thông qua cơ chế này, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, về khắc phục hậu quả bom mìn hay bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nước thành viên Liên hợp quốc.
Bản thân Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước. Việt Nam đã cử 243 lượt sĩ quan quân đội theo các suất đơn lẻ làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định: “Việt Nam đã thúc đẩy thượng tôn pháp luật, cách hành xử đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Việt Nam đã cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an thảo luận, thông qua các biện pháp giảm căng thẳng, thúc đẩy để các bên đàm phán, tìm giải pháp bền vững đối với xung đột, điểm nóng ở các khu vực. Chúng ta cũng luôn đề cao tinh thần nhân đạo, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nỗ lực bảo vệ an toàn, tính mạng và sinh kế của người dân trong xung đột vũ trang, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể tác động tới các nỗ lực ứng phó với Covid-19, ủng hộ viện trợ nhân đạo, cứu trợ thường dân, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Phát huy vai trò Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế
Đại hội XIII của Đảng xác định, trong nhiệm kỳ này sẽ triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; kết hợp chặt chẽ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương; nâng cao năng lực hội nhập, nhất là cấp vùng, cấp địa phương, doanh nghiệp, tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt hiệu quả, tích cực triển khai các cam kết quốc tế; mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, chủ động đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng và an ninh; tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp vào quảng bá hình ảnh đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 76. Ảnh: Internet.
Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế theo tinh thần hợp tác toàn diện và sâu rộng, thể hiện Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; gửi đi thông điệp ở cấp cao nhất tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đề cao chủ nghĩa đa phương; thể hiện vai trò, vị thế là thành viên có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Phát huy vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals) còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu được chia thành 4 nhóm: Vì con người; Đảm bảo khả năng thích ứng với khí hậu và môi trường bền vững; Thịnh vượng và hợp tác; Thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.
Là thành viên của Liên Hợp quốc, hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững đã được bao hàm trong hệ thống thể chế quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp hiện hành; trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở Việt Nam. Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Mục tiêu nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và hưởng thụ bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững.
Theo Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững được công bố (11/2021), dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt được 5/17 Mục tiêu phát triển bền vững. Đó là mục tiêu 1 về xóa nghèo; mục tiêu 2 về xoá đói; mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng; mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu; mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu. Mục tiêu số 13 về các hành động bảo vệ khí hậu được xem là mục tiêu có bước chuyển biến ngoạn mục nhất.
Thực tế trong 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động từ hoàn thiện thể chế chính sách đến tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát khí hậu và các hoạt động cụ thể để thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện vấn đề này liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Việt Nam lần lượt được xếp hạng như sau: Năm 2016, xếp thứ 88/149 nước; năm 2017 xếp thứ 68/157 nước; năm 2018 xếp thứ 57/156 nước; năm 2019 xếp thứ 54/162 nước và năm 2020 xếp thứ 49/166 nước. Riêng năm 2020, trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan (thứ 41/166 nước).
Hiện nay, Việt Nam triển khai đối ngoại đa phương với thế và lực ngày càng vững chắc hơn. Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 27 nước, trong đó bao gồm cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Điều đó thể hiện mối quan hệ ngày càng rộng mở và tin cậy giữa nước ta với bạn bè thế giới, đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, thế và lực mới cũng đòi hỏi Việt Nam cần chủ động khởi xướng, đưa ra các sáng kiến và cùng tham gia định hình các cơ chế hợp tác mới trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương phù hợp với lợi ích, mối quan tâm chung của các quốc gia.
----------------------------------------
(1), (2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H. 2021, tr.282.
TS Trịnh Thị Hoa