Các mục tiêu chiến lược cho 5 năm, 10 năm tới và đến giữa thế kỷ XXI thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng đối với quá trình lãnh đạo đất nước, thể hiện ý chí phấn đấu, khát vọng phát triển mãnh liệt; đồng thời đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm quán triệt, thực hiện vô cùng to lớn của toàn Đảng và toàn Dân.
Việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển cần dựa vào các nguồn động lực phát triển to lớn. Chính vì vậy, toàn bộ các nội dung liên quan đến các nguồn lực phát triển đất nước thể hiện trong Dự thảo Báo cáo Chính trị rất sâu rộng, nhiều tầng nấc, nhiều khía cạnh. Trong số các nguồn động lực phát triển đất nước, có 3 nguồn động lực đặc biệt quan trọng là nguồn nhân lực tinh hoa, vai trò của khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo và sức mạnh của yếu tố văn hóa - tinh thần.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được huấn luyện bài bản qua quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Ảnh: Tư liệu
Nguồn nhân lực tinh hoa
Nguồn lực con người được coi là động lực cốt yếu, là một trong những khâu đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó vai trò của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ưu tú và đội ngũ lao động chất lượng cao được chú trọng hơn cả.
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, kinh nghiệm đầu tiên được đút rút trong Dự thảo là: “công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trên thực tế, công tác nhân sự cấp chiến lược trước thềm Đại hội XIII của Đảng đã hình thành một đội ngũ cán bộ được huấn luyện bài bản qua quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, các lớp đào tạo nguồn chiến lược, được luân chuyển, rèn luyện ở các cương vị lãnh đạo, quản lý khác nhau, về tổng thể đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo thế hệ trẻ được trưởng thành trong thời kỳ đổi mới với tri thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tại địa phương và các trải nghiệm gắn liền thời kỳ đổi mới sẽ hứa hẹn những đột phá trong nhiệm kỳ mới, bên cạnh những nội dung kế thừa và phát triển.
Để phát triển đất nước nhanh và bền vững, bên cạnh một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ưu tú cần có một nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu của bối cảnh mới, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những yếu tố quan trọng góp phần “đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế”. Trong đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị còn đặt ra các yêu cầu cụ thể như “đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao”, “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mặt khác, Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng chỉ ra hiện trạng là “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”.
Trên lĩnh vực văn hóa, Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu yêu cầu “đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hoá, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.
Trên lĩnh vực quốc phòng an ninh, Dự thảo nêu yêu cầu “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Như vậy, có thể thấy trên cả 4 trụ cột phát triển đất nước được xác định cho giai đoạn hiện nay là kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, văn hóa, quốc phòng - an ninh, Dự thảo Báo cáo Chính trị đều đặt ra yêu cầu cao về đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và phát huy vai trò, sức mạnh của nguồn nhân lực tinh hoa. Hơn nữa, để kiến tạo sự đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo cho rằng phải dựa trên cơ sở đổi mới căn bản nền giáo dục và đào tạo và phát triển mạnh khoa học và công nghệ.
Vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
Vai trò của khoa học công nghệ lần này được nhấn đậm nét trong dự thảo các Văn kiện; riêng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, cụm từ “khoa học và công nghệ” xuất hiện với tần suất rất cao, với khoảng 50 lần.
Nêu bật vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển quốc gia là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới, trong đó có Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh mạnh, sâu rộng. Hơn nữa, yêu cầu hạn chế tiếp xúc, cách ly, giãn cách xã hội nhằm phòng chống lây lan đại dịch Covid-19 buộc cộng đồng quốc tế và Việt Nam phải gia tăng nhanh chóng và toàn diện các tương tác xã hội gián tiếp thông qua internet, mạng viễn thông, qua các công nghệ trực tuyến khác và các thiết bị công nghệ.
Khoa học - Công nghệ tiếp tục được xác định là quốc sách hàng đầu
Cùng với giáo dục và đào tạo, Dự thảo Báo cáo Chính trị khẳng định cần phải “tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đồng thời, khoa học và công nghệ được bổ sung một yếu tố đồng hành mật thiết là “đổi mới sáng tạo”.
Theo thống kê, cụm từ “đổi mới sáng tạo” xuất hiện 17 lần và cụm từ “khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” xuất hiện 6 lần trong Dự thảo. “Đổi mới sáng tạo” cũng là tinh thần xuyên suốt được nhấn mạnh trong bộ dự thảo các Văn kiện Đại hội lần này.
Với tư cách quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo sẽ là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Đặc biệt là, quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống sẽ dần hình thành nên một nền hạ tầng kỹ thuật quan trọng nhất là hạ tầng số quốc gia với các thành tố kết nối càng ngày càng mật thiết.
Về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, Dự thảo đặt ra yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Trong đó nhấn mạnh rằng, sự đổi mới sáng tạo và các chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ phải “lấy doanh nghiệp làm trung tâm”.
Về phát triển kinh tế số, trước hết cần phải “nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh, phát triển kinh tế số”; từ đó “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Như vậy có thể thế thấy khoa học và công nghệ gắn với yếu tố đổi mới sáng tạo được định vị là một trong những nền tảng căn bản và động lực then chốt của ba tiến trình gắn bó hữu cơ là: (i) phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, (ii) chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, và (iii) phát triển nền kinh tế số.
Yếu tố văn hóa - tinh thần
Trong khi chủ đề Đại hội XII của Đảng xác định “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” thì Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần này phát triển thêm: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Qua đó cho thấy vai trò, sức mạnh của giá trị văn hóa và yếu tố tinh thần được nâng lên tầm cao mới.
Văn hoá ngày càng khẳng định vị thế và giá trị to lớn đối với quá trình phát triển của đất nước
Văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển” và cần phải “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Hơn thế, “xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Trong các yếu tố văn hóa - tinh thần nêu trên, “khát vọng phát triển”, mà cụ thể hơn nữa là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trở nên nổi bật hơn cả khi được nêu ở những mục quan trọng nhất trong Dự thảo (chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, định hướng phát triển, những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược), điều này tiếp tục khẳng định vị thế và giá trị to lớn của yếu tố văn hoá - tinh thần. Lưu ý thêm rằng, việc đề cao tinh thần phấn đấu, khát vọng phát triển được yêu cầu gắn liền với việc nâng cao thể chất và sức vóc con người Việt Nam.
Về cơ bản trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, tố chất văn hóa và và các yếu tố tinh thần (khát vọng phát triển, ý chí phấn đấu, vươn lên, lòng yêu nước, tinh thần đổi mới sáng tạo v.v) của con người Việt Nam được xác lập thành một trong những động lực phát triển quan trọng nhất.
Nhìn chung, ba nguồn động lực cơ bản đề phát triển đất nước nêu trên vừa có sự kế thừa và phát triển, vừa có những khía cạnh mới; vừa phản ánh yêu cầu cấp thiết do bối cảnh khách quan đặt ra, vừa thể hiện sự năng động, sáng tạo của Đảng trong tình hình mới và cả ba đều hướng tới mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Quang Phan