Thế nào là một gia đình hạnh phúc?
“Gia đình” - nơi gợi cho ta bao sự thân thuộc, ấm áp, bình an và thiêng liêng. Đại thi hào Goethe từng nói:“Dù vua chúa hay dân cày, người nào tìm thấy sự bình an trong gia đình, đó là người hạnh phúc nhất”. Trong cuộc sống, chúng ta có thể có nhiều bạn để kết giao nhưng chỉ có một gia đình; chúng ta có thể có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó chính là gia đình, và ngay cả khi cả thế giới có quay lưng lại với chúng ta, thì cũng chỉ có một nơi luôn giang rộng vòng tay chào đón chúng ta trở về, đó chính là gia đình. Gia đình là nơi mọi ước mơ sẽ được chắp cánh, mọi nỗi đau sẽ được xoa dịu, mọi lỗi lầm sẽ được thứ tha. Gia đình, vì vậy là tổ ấm và đó là nơi để trở về.
Từ góc độ hạnh phúc, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa việc một gia đình giành nhiều thời gian và sự quan tâm yêu thương nhau với sức khỏe tinh thần của trẻ. Theo đó, trẻ em khi có nhiều thời gian ở bên gia đình, nhận được nhiều sự yêu thương chăm sóc của ông bà, cha mẹ, anh chị em thì có chiều hướng tâm lý tự tin, vui vẻ hơn. Mối quan hệ gia đình lành mạnh có tác động rất tích cực để nâng cao sức khỏe cả sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người, giúp cuộc sống trở nên an toàn và ổn định hơn.
Mái ấm gia đình, ảnh internet
Khi một cấu trúc gia đình bền chặt, đầy sự yêu thương, chia sẻ, gắn kết, mỗi thành viên sẽ cảm thấy được khích lệ, biết học cách đón nhận và cách biết bao dung, sẻ chia. Với sự hỗ trợ của gia đình, thông qua các tương tác xã hội, thông qua việc thực hiện các chức năng cũng như quá trình lưu giữ, phát huy, trao truyền các giá trị, chia sẻ tầm nhìn, mỗi thành viên có thể có nhiều cơ hội để thành công hơn trong cuộc sống. Khi các thành viên kiến tạo được hạnh phúc, đó là nền tảng của một gia đình hạnh phúc, và gia đình hạnh phúc cũng là nền tảng để dựng xây một quốc gia hạnh phúc.
Nền tảng để xây dựng một quốc gia hạnh phúc là từ gia đình hạnh phúc
Từ bình diện quốc tế, Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về hạnh phúc (ngày 02/4/2012) đã khẳng định: Hạnh phúc là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội và là mục tiêu của chính sách công, với mức độ hài lòng của người dân về các chỉ báo cơ bản như: thu nhập bình quân theo đầu người, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn cuộc sống, sức khỏe cộng đồng, sự rộng lượng, vị tha của các thành viên; thái độ và phản ứng tích cực xã hội, sự đa dạng và biến đổi tích cực của môi trường sinh thái, tính đa dạng và sự cởi mở của văn hóa.
WHR (Báo cáo Hạnh phúc thế giới- World Happiness Report) cũng khuyến cáo các chính phủ rằng, ngay cả tâm trạng hài lòng, tiếng cười và niềm vui trong cuộc sống cũng là những điều rất quan trọng để công dân hạnh phúc. Như vậy, một quốc gia hạnh phúc không chỉ thể hiện mức độ hạnh phúc của các cá nhân công dân, mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ, thước đo của sự ưu việt, chất lượng từ thể chế, chế độ chính trị.
Trong mối quan hệ với xã hội, gia đình được xem là “tế bào”, là “xã hội thu nhỏ”. Gia đình hiện diện đầy đủ các mối quan hệ xã hội như quan hệ nuôi dưỡng, giáo dục, quan hệ văn hoá, quan hệ kinh tế, quan hệ tổ chức…Gia đình vốn có các chức năng cơ bản như chức năng sinh sản, chức năng nuôi dưỡng và giáo dục; chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình; chức năng đáp ứng nhu cầu tâm lý, sinh lý, tình cảm…Vì vậy, thực hiện tốt các chức năng này đó cũng là cách xây dựng gia đình hạnh phúc một cách khoa học và thiết thực nhất.
Nhận thức vai trò đặc biệt của gia đình, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:“Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt[i]. Như vậy, việc xây dựng đất nước ta hưng thịnh, hùng cường, hạnh phúc phụ thuộc nhiều vào sự no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh của mỗi gia đình.
Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xây dựng gia đình là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng, Đảng ta xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”[ii].
Thời gian qua, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình đã ngày càng được nâng lên; nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản; chất lượng cuộc sống, thu nhập của các gia đình ngày càng được nâng cao; việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ; vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao; các giá trị cốt lõi trong gia đình như sự chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng...
Tuy nhiên, dưới tác tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế đang tồn tại nhiều vấn đề đối với gia đình hiện nay như mất cân bằng giới tính, tỷ lệ sinh giữa các cùng miền còn chênh lệch; việc bình xét, bạo lực gia đình hay bất bình đẳng giới vẫn còn xảy ra nhiều nơi, việc thực hiện các chức năng của gia đình còn nhiều hạn chế…
Trong thời gian tới, có nhiều giải pháp để xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần xây dựng quốc gia hạnh phúc. Có thể kể đến một số giải pháp quan trọng như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền với việc xây dựng gia đình hạnh phúc; đổi mới công tác truyền thông chính sách, pháp luật về gia đình; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để hoàn thiện hệ giá trị gia đình đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…
NHÂM HỒ