Việt Nam đã trải qua thời kỳ quá độ dân số với nhưng biến đổi mạnh mẽ về mức sinh, mức chết, cơ cấu, quy mô và phân bố dân số. Từ quy mô dân số dưới 55 triệu người với cơ cấu dân số trẻ, mức sinh và mức chết khá cao vào năm 1980 thì đến năm 2019 dân số Việt Nam đã vượt 96 triệu người và đang trong quá trình già hóa dân số và tuổi thọ bình quân đạt 73,6 năm[1](năm 2021 vượt 98 triệu người). Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (năm 2017) đã chỉ đạo chuyển trọng tâm từ “Dân số-Kế hoạch hoá gia đình” sang “Dân số phát triển”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu “Phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng”[2].
Phát huy lợi thế cấu dân số vàng trong bối cảnh hiện nay
Lợi thế dân số vàng, trước tiên được thể hiện ở tỷ trọng người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 69% trong tổng dân số. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 2007, với tỷ lệ 67,31%[3]; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%[4]. Theo quy luật của chuyển đổi nhân khẩu học, cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia và sẽ không quay trở lại, nếu có thì ít nhất phải từ 100 - 200 năm sau, nên đây là cơ hội “đặc biệt” tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế cho thấy, mặc dù nước ta đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng” nhưng chưa “vàng về chất lượng”, vì vậy chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức lớn nhất trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số liệu thống kê đều chứng minh sự tăng tuyến tính cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật năm 2020 chỉ chiếm 24,1%, do đó, trên 75% lao động giản đơn chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên; tỷ lệ thanh niên di cư lao động trong và ngoài nước có xu hướng tăng nhanh, nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn khá chậm chạp. Số liệu thống kê cho thấy từ 39% năm 2009 còn 36% vào năm 2018 và trong suốt một thời gian dài nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ[5]. Chỉ số kinh tế tri thức KEI của Việt Nam xếp thứ 104/146 nước và lãnh thổ trong năm 2012, tăng 9 bậc so với 113/146 vào năm 2000 nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình kém[6]. Số liệu cũng cho thấy có hơn 72 nghìn người đã được đào tạo trình độ đại học và sau đại học (thạc sĩ) đang thất nghiệp[7]và dẫn đến hiện trạng “cất bằng đại học làm công nhân”.
Năng suất lao động Việt Nam nằm trong nhóm thấp của khu vực: giai đoạn 2016-2020 tăng 5,79%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015: 4,27%/năm[8]. Tuy nhiên, mức tăng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: bằng 8,4% mức năng suất của Xin-ga-po; 23,1% Ma-lai-xi-a; 41,5% Thái Lan; 55,5% của In-đô-nê-xi-a và 62,8% của Phi-lip-pin; chỉ cao hơn Cam-pu-chia (gấp 1,8 lần). Sự chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng năm 2007, nhưng đến năm 2011 đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số và tỷ lệ người trên 60 tuổi đã chiếm 12% (năm 2019). Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam được dự báo kết thúc vào năm 2039. Vì vậy, giai đoạn này cần chủ động tích lũy các nguồn lực để phát huy lợi thế dân số vàng, đồng thời phải thích ứng với thời kỳ dân số già.
Một số giải pháp phát huy lợi thế dân số vàng
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu “Phát huy lợi thế dân số vàng” là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với động thái dân số trong giai đoạn hiện nay và để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” cần hoạch định và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thực hiện mục tiêu đó vừa đảm bảo hiện thắng lợi Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Sau đây là một số giải pháp mà các cấp, các ngành cần quan tâm:
Thứ nhất, phải duy trì mức sinh thay thế như hiện nay để vừa bảo đảm kéo dài thời kỳ dân số vàng, vừa trì hoãn quá trình già hóa dân số. Thực tế cho thấy trong các chiều cạnh nhân khẩu học thì mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của một dân số trong hiện tại và tương lai. Mức sinh cao so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trái lại, nếu mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động và thách thức lưới an sinh xã hội còn non trẻ.
Tạo đủ việc làm cho người lao động góp phần phát huy tốt lợi thế dân số vàng ở nước ta.
Thứ hai, coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như ứng phó với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ở nước ta, chất lượng nguồn lao động đang là một rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Loại hình lao động giản đơn sẽ ngày càng bị thu hẹp và bị cạnh tranh bởi “quá trình chuyển đổi số”. Vì vậy, nâng cao trình độ học vấn cho người dân, định hướng nghề nghiệp và đào tạo lại nghề nghiệp phù hợp với cầu thị trường lao động cần được coi là nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp lập nghiệp, phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh là doanh nghiệp của các giai tầng xã hội, nhất là của thanh niên. Chúng ta chỉ có thể phát huy được lợi thế dân số vàng khi thực sự có chính sách phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo lập nghiệp, khởi nghiệp và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh tương xứng, phù hợp.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật để người lao động có việc làm với năng suất cao trong bối cảnh dư lợi dân số vàng dự báo kéo dài đến năm 2039. Hiện nay thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển chưa đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế[9]. Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động, việc làm hiện nay; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Nghịch lý giữa cung và cầu lao động đang là một bài toán thách thức nền kinh tế theo hướng bền vững. Chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.
Thứ năm, thực hiện thường xuyên các chương trình nghiên cứu khoa học liên xuyên ngành: kinh tế, thống kê, xã hội học… nhằm nắm bắt kịp thời và chính xác xu hướng vận động của cơ cấu nguồn lao động trong các ngành, nghề, trong từng địa phương (cơ cấu độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tay nghề, khu vực sống …), trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp phù hợp. Cần tạo ra nhiều việc làm nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng phù hợp với cơ cấu độ tuổi lao động, cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu vùng miền. Nâng cao chất lượng nguồn lao động - nguồn nhân lực thông qua hoạt động đào tạo, đào tạo lại thích ứng với thị trường lao động; đồng thời, chính sách khuyến khích học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập cần được coi là công việc thường xuyên.
Hà Linh