Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở; nơi quán triệt, cụ hóa và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Xuất phát từ vị trí, vai trò hết sức quan trọng đó, Đảng ta luôn coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Internet.
Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng TCCSĐ; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện chủ trương Trung ương đề ra, căn cứ vào thực tiễn nhiều nơi đã có các giải pháp, những cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả. Tổng kết thực tiễn, Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII khẳng định những kết quả đạt được: “tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở… Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, chất lượng sinh hoạt đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật,… của nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ cơ sở được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng”.
Bên cạnh những ưu điểm, Nghị quyết nêu lên mặt hạn chế: “chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo;… thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế… Mô hình tổ chức một số loại hình tổ chức cơ sở đảng còn bất cập, chậm được kiện toàn, sắp xếp”[1].
Để khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên, Nghị quyết đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng.
Nghị quyết xác định, cần phải tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, TCCSĐ, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên của các chi bộ đảng và đã được Điều lệ Đảng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, xem sinh hoạt chi bộ như là một thủ tục bắt buộc phải chấp hành. Vì thế, ít quan tâm đầu tư, chuẩn bị để có những buổi sinh hoạt chi bộ bảo đảm chất lượng, mang lại hiệu quả; đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ít phát biểu ý kiến…
Từ thực trạngđó,các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đảng viên, góp phần ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.
Một buổi sinh hoạt chi bộ của Chi bộ Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Ảnh: Internet.
Để có được một buổi sinh hoạt chi bộ bảo đảm chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của đảng viên, việc xác định đúng và chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung sinh hoạt là rất quan trọng. Vì thế, Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII yêu cầu nội dung sinh hoạt chi bộ phải thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, gắn với nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy và các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ.
Chế độ sinh hoạt đảng đã được Điều lệ Đảng quy định: “chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần”. Việc duy trì nền nếp, chấp hành đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xây dựng ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên,vừa góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh đó, để sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực, đưa lại sức hấp dẫn đối với đảng viên thì phải đáp ứng quyền được thông tin của đảng viên bằng việc “kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước”;hơn nữa,bí thư, chi ủy và tập thể chi bộ phải “lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân”[2]. Mặt khác, trong sinh hoạt chi bộ cần phải chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu; đồng thời phê bình, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Tăng cường sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề cũng là giải pháp được Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII đề ra nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nghị quyết yêu cầu việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề cần chú trọng những vấn đề mới, những vấn đề mà đảng viên và nhân dân quan tâm.
Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp chung, Nghị quyết còn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp gắn với đặc điểm của một số loại hình chi bộnhư: i) đối với tổ chức đảng ở địa bàn có nhiều đảng viên từ nơi khác đến tạm trú, có nhiều khu công nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân cần có giải pháp sinh hoạt đảng phù hợp với đặc điểm tình hình; ii) đối với một số đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt thực hiện thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến; iii) tổ chức sinh hoạt đảng theo tổ đối với một số nội dung phù hợp ở chi bộ có đông đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII cũng xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy cấp trên trong việc tăng cường hướng dẫn đối với những nội dung mới, cần thiết và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ.
Trần Văn Phương