Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội, số ca nhiễm ở Việt Nam đã giảm so với trước đó. Từ ngày 1-14/4/2020, số trường hợp mắc mới chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó, trong đó có 50% trường hợp phát hiện trong cộng đồng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Hơn nữa, trên thế giới, diễn biến dịch bệnh có những tín hiệu tích cực hơn, nhiều nước đã qua đỉnh dịch và bắt đầu tính đến các biện pháp khôi phục kinh tế.
Ngày 15/4, Việt Nam bước vào giãn cách xã hội giai đoạn 2. Theo đó, các địa phương được phân loại thành 3 nhóm: nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp. Mỗi nhóm có biện pháp phòng chống dịch tương ứng, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Sự hoành hành của dịch bệnh trên khắp thế giới đã làm đứt gãy nguồn cung, suy giảm tổng cầu và gây ra tình trạng đóng băng các hoạt động kinh tế, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu dịch bệnh được khống chế hoàn toàn vào quý II thì sản xuất sẽ được khôi phục mạnh hơn sau tháng 6. Tuy vậy, do dịch Covid-19 để lại hậu quả khá nặng nề, nên việc khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế - xã hội như trước khi có dịch đòi hỏi một thời gian khá dài, có thể kéo đến sang đầu năm 2021.
Các ngành sản xuất, đặc biệt là sản phẩm thiết yếu sẽ phục hồi sớm hơn. Các ngành vận tải, du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí, sản phẩm xa xỉ, ít thiết yếu... là các ngành chịu thiệt hại nặng nề và cũng chịu tác động tiêu cực kéo dài nhất do tâm lý e ngại của người dân với dịch bệnh và do thu nhập bị giảm sút.
Trong giai đoạn 2 thực hiện giãn cách xã hội, một mặt vừa phải bảo đảm giữ được thành quả kiểm soát dịch bệnh như ở giai đoạn 1, vừa cần tính đến việc thực hiện các giải pháp để khôi phục, vực dậy nền kinh tế.Đó là:
Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại nơi làm việc để bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất.
Đây là giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất, vì bảo đảm an toàn mới có thể tiến hành sản xuất được. Đối với các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất khi hết dịch.
Các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro do lây nhiễm bên trong doanh nghiệp nhằm tránh việc phải dừng sản xuất hoặc cách ly người lao động. Tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh làm việc cho các doanh nghiệp với điều kiện phải cách ly đủ thời gian. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể có thể cho phép doanh nghiệp tự thực hiện cách ly đối với chuyên gia nước ngoài như đã làm với công ty SamSung.
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp cho phép các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục lại hoàn toàn, đi kèm là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm kiểm soát được và bảo đảm an toàn đối với người ra vào địa phương. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp với các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, không hạn chế giao thương, không hạn chế vận chuyển hàng hóa, nhưng có biện pháp phòng dịch phù hợp.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước.Đó là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng bằng tiền trực tiếp có tính chất đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ giảm bớt khó khăn; gói hỗ trợ tài khóa trị giá 180.000 tỷ đồng thông qua giãn, hoãn tiền thuế, tiền thuê đất; gói hỗ trợ tiền tệ 300.000 tỷ đồng. Trong đó, đối với gói hỗ trợ cấp tiền trực tiếp cho các đối tượng chính sách cần bảo đảm thực hiện chính xác, công khai, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa các trường hợp trục lợi để hỗ trợ đến đúng đối tượng, trong thời gian nhanh nhất.
Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì được hoạt động cần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn,vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn lãi suất thấp, cơ cấu lại nợ vay, thực hiện giảm thuế, phí, giãn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp,... Các doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề trong dịch Covid-19 như ngành du lịch, dịch vụ, vận tải,... ngoài các chính sách hỗ trợ đã ban hành cần xem xét hỗ trợ mạnh hơn thông qua miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm các loại thuế khác cho doanh nghiệp từ khi bắt đầu kinh doanh trở lại đến cuối năm 2020. Đồng thời nới lỏng dần các biện pháp hạn chế đi lại để khôi phục lại các hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công đã được phê duyệt, đã nằm trong kế hoạch, các dự án đang thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ. Áp dụng cơ chế đặc biệt, thủ tục rút gọn để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công. Việc giải ngân vào những dự án lớn sẽ hỗ trợ vực dậy theo các lĩnh vực sản xuất phụ trợ, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác...góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải pháp này cũng sẽ giúp giải quyết được phần nào tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế, giảm chi cho an sinh xã hội và chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc như dệt may, da giày, điện tử…, các dự án đầu tư liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các dự án đầu tư, vận hành bởi doanh nghiệp Trung Quốc chịu tác động rất đáng kể từ dịch bệnh. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp.
Căn cứ vào điều kiện thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và các thị trường khác, tạo điều kiện để khai thông hàng hóa qua các cửa khẩu. Giảm các thủ tục hành chính, các loại thuế, phí, lệ phí để tăng lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ các thị trường này thay thế cho linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Châu Âu và Mỹ - các thị trường chịu tác động từ dịch muộn hơn nhưng nặng nề hơn và khả năng phục hồi lâu hơn.
Sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp dệt may giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: VOV
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Với các thị trường đang kiểm soát được dịch bệnh tương đối tốt, cần tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, chẳng hạn thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ưu đãi tối đa để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch và chữa trị sang các thị trường đang có nhu cầu cao như châu Âu và Mỹ. Nâng cao chất lượng hàng nông sản để xuất khẩu sang EU và Mỹ là các thị trường đang thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nâng cao năng lực tự sản xuất, chú trọng thị trường trong nước, bảo đảm luôn có các thị trường, nhà cung cấp thay thế trong mọi trường hợp, tránh rủi ro do phải phụ thuộc vào một hay một số ít các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ thuộc vào một số ít thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng cơ hội của dịch Covid-19 để cơ cấu lại sản xuất, số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanhđể giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, chuẩn bị điều kiện để phục hồi và phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hà An